Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thấm thía nỗi cực mẹ cha, chàng thủ khoa quyết phải thoát nghèo

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Cha bệnh, mẹ cực khổ làm việc, Nguyễn Khoa Chương hiểu, chỉ có cố gắng học tập mới mong tìm ra con đường thoát nghèo.

(ĐSPL) - Cha bệnh, mẹ cực khổ làm việc, Nguyễn Khoa Chương hiểu, chỉ có cố gắng học tập mới mong tìm ra con đường thoát nghèo.

Học đã là đam mê, là mục đích, nhưng em chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đạt được thành tích thủ khoa của trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, trong kỳ thi Đại học-Cao đẳng năm 2014. Xóm nhỏ nghèo gần kênh nước đen có dịp rộn ràng. Tấm gương "anh Chương học giỏi, ngoan hiền" được bà con mang ra răn dạy đám trẻ nhỏ.

Bí quyết học giỏi của chàng thủ khoa

Mấy ngày nay, xóm nhỏ trong hẻm sâu trên đường Phạm Thế Hiển, phường 7 (Q.8, TP.HCM) rộn ràng hơn hẳn. Đầu hẻm đến cuối hẻm đều nhốn nháo với tin "thằng Chương đậu thủ khoa đại học". Từ chị cán bộ phụ nữ đến mấy đứa nhỏ trong khu phố đều cảm thấy tự hào về Chương, dù nhà nghèo nhưng hiếu học, em như một luồng sáng thắp hy vọng đi lên cho xóm vốn chỉ toàn người nghèo.

Chúng tôi đến trò chuyện cùng Chương vào một chiều muộn sau cơn mưa tầm tã. Ngôi nhà trống huơ trống hoác, vật dụng không có bao nhiêu. Chương lễ phép cho biết: "Cha em qua nhà bà nội rồi, bà em bị bệnh, chắc cha ở lại đến tối mới về. Mẹ em đi làm tạp vụ cho công ty ở bên quận 5, tối qua nhà sếp phụ việc nhà để kiếm thêm. Anh Hai em cũng đi làm bảo vệ cho công ty. Nhà chỉ có mỗi em nên hơi vắng".

Nụ cười sáng, gương mặt hiền của Chương dễ khiến cho người đối diện cảm giác thân thiện. Chương chân tình chia sẻ: "Thật ra, em thấy kết quả như vậy là bình thường, nhiều bạn còn giỏi hơn em. Lúc đi thi, em chỉ thi một trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nên cố gắng dồn hết tâm sức cầu mong đạt được 22 điểm để đủ đậu. Nhưng em lại trở thành thủ khoa với số điểm 26, lại thêm áp lực phải nỗ lực hơn nữa khi vào học tại trường, sao cho không thẹn với thành tích thủ khoa đầu vào".

Hoàn cảnh của Chương cũng thật éo le, khi cha mắc căn bệnh ung thư thanh quản, mất sức lao động. Chương nhớ: "Lúc cha bệnh, em còn nhỏ, chưa biết nhiều. Cha đang làm bảo vệ cho công ty thì đi khám người ta bảo bị ung thư. Cha phải phẫu thuật cắt khối u để tránh di căn, vết sẹo để lại dài đến đáng sợ. Nghỉ ngơi vài tháng, cha đi làm lại, đến hai năm gần đây thì cha bị mất sức nên nghỉ hẳn".

Thế nhưng, cha Chương vẫn cố gắng nhận hàng may dây kéo, quai ba lô, túi xách tại nhà để phụ vợ trang trải cho cuộc sống còn nhiều chật vật. Học bài xong, Chương cũng nhảy vào lúi húi phụ cha và đỡ đần việc nhà cho mẹ. Với một đứa con trai đang tuổi "nổi loạn", Chương đặc biệt khác hẳn, em không dành nhiều thời gian để vui chơi, tụ tập bè bạn. Thay vào đó, Chương dành nhiều thời gian cho việc học và phụ giúp gia đình.

Bí quyết học giỏi của Chương cũng thật đặc biệt, em chia sẻ: "Trên lớp, em chăm chú nghe giảng, lúc tan học, vừa về đến nhà là em lao vào giải bài tập liền. Nhiều bạn thích xem truyền hình, giải trí rồi mới ngồi vào bàn học còn em phải giải ngay để "ngấm bài"”.

Chương đã có tính tự lập và có những hoạch định riêng từ lúc chọn trường thi tuyển vào lớp 10. Em muốn học ở trường Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), một môi trường học tập nghiêm túc, có nhiều bạn giỏi để bản thân có mục đích để phấn đấu. Dù trong lớp có rất nhiều bạn học giỏi, có điều kiện hơn, nhưng Chương chưa bao giờ cảm thấy tự ti về hoàn cảnh gia đình.

Suốt ba năm phổ thông, Chương đều nằm trong danh sách những học sinh đứng đầu của lớp. Dù các bạn cũng yêu thương, giúp đỡ nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, đi đâu cũng phiền mẹ đưa rước nên Chương chấp nhận không đi đâu chơi.

"Riết rồi, bạn trong lớp biết nên không rủ rê, bạn trong xóm thì toàn con nít nhỏ, em đi học về thì lại ở trong nhà làm bài tập và phụ ba làm quai túi xách. Vậy cho mẹ đỡ lo, thấy mẹ cực khổ ngày mấy bận đưa rước em, bớt đi lại để mẹ khỏe hơn", Chương giải thích lý do không thích đi chơi bằng lời lẽ mộc mạc của đứa con hiếu thảo, khiến người nghe không khỏi chạnh lòng, thán phục.

Chương phụ mẹ đi dọn nhà thuê kiếm thêm thu nhập.

Thương mẹ, ráng học để thoát nghèo

Lúc nhỏ, mỗi lần Chương học, cha mẹ đều theo kèm và bảo ban từng chút, nhưng lên lớp cao hơn cha mẹ không còn "theo kịp" nên em tự học là chính. Trong mỗi quyết định của mình, Chương đều tham khảo ý kiến của cha mẹ. Thường thì, cả gia đình quây quần cùng vạch ra những được mất trong các quyết định từ việc học ngành gì, thi trường nào của Chương. Chương không cảm thấy khó chịu mà ngược lại em cảm nhận được sự yêu thương của cha mẹ, khi cố gắng theo con trong suốt quá trình học tập.

Trong kỳ thi đại học vừa qua, gia đình cố gắng tạo điều kiện để Chương ôn luyện trong tháng "sinh tử". Về phần mình, Chương ngồi giải lại hết các dạng bài được học suốt ba năm phổ thông, rồi tất tả đi xin tài liệu của nhiều anh chị thi trước và tiếp tục giải cho hết các đề thi năm trước. Chương còn lên mạng tìm tài liệu để ôn luyện thêm.

"Nhờ chiếc máy tính bàn cũ của mẹ xin được ở công ty mà em có được không ít thông tin hay, chứ nhà em nghèo không lấy đâu ra tiền mà mua máy tính. Thấy anh trai học nửa chừng phải bỏ dở việc học, nên em càng phải cố gắng để cha mẹ yên lòng, cũng là cách duy nhất để thoát nghèo", Chương chia sẻ.

Anh trai Chương cũng từng đậu trường cao đẳng, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn phải bỏ học giữa chừng. Hiện anh này đang làm bảo vệ cho một công ty, buổi tối đi học thêm Anh văn và lái xe. Cha mẹ Chương cũng nhẹ gánh mà dồn sức lo cho em ăn học.

Niềm vui đỗ thủ khoa một trường đại học cũng không thể khỏa lấp những lo lắng đang thường trực trong lòng của người con chí hiếu. Chương dường như đã tính toán hết con đường phía trước sao cho cha mẹ bớt vất vả. Em bảo: "Học ở Thủ Đức, em sẽ ráng dậy sớm đi hai tuyến xe buýt chứ để mẹ đưa rước, mẹ sẽ mệt lắm. Nhà thì chỉ có một chiếc xe đi lại, em đi rồi mẹ không còn xe đi làm. Nếu ở trọ thì nhiều tiền lắm, đi xe buýt cũng vui".

Chương tính toán năm đầu đại học sẽ ráng học cho tốt để nắm vững kiến thức căn bản và quan trọng hơn phải có được học bổng để mẹ đỡ lo lắng. Qua năm ba, năm tư, Chương sẽ tìm việc để làm thêm, phụ giúp gia đình. Nghe em tính toán, mà chúng tôi thấy nghẹn ở cổ, ở tuổi em, bao nhiêu học trò khác vô tư học, hồn nhiên vui đùa, còn em sớm phải toan tính đủ điều sao cho mẹ đỡ cực, cha đỡ lo.

Em bảo: "Ba ngày đi thi, sáng nào mẹ cũng phải dậy sớm nấu cơm cho em ăn, chở em qua tận Thủ Đức để thi rồi lại chở về. Em thấy áp lực và càng quyết tâm thi cho đậu. Giờ chẳng những thi đậu mà còn đạt kết quả cao, em cảm giác nhẹ nhõm, và mừng vì không phụ lòng cha mẹ".

Đâu đó trong câu chuyện, trong ánh mắt trong veo của chàng trai đam mê học tập, thích đá bóng, chơi cờ tướng kia luôn có hình bóng của người mẹ lam lũ với nghề tạp vụ. Cả ngày làm việc ở công ty, tối đến tất tả về nhà sếp giúp việc, có những đêm 9, 10h mẹ Chương mới về nhà. Lúc đó, Chương và cha mới an tâm đi ngủ. Chương tin bản thân sẽ thoát nghèo bằng con đường học tập thì cần lắm những bàn tay hiền dịu giúp em vượt qua chông gai bước đầu.      

Chính quyền địa phương sẽ giúp đỡ Chương tối đa

Bà Lê Thị Cẩm Hồng (Phó Ban Giảm nghèo của P.7, Q.8, TP.HCM), người phụ trách chương trình xóa đói giảm nghèo của P.7 cho biết: "Năm 2013, gia đình của em Chương chỉ thuộc dạng cận nghèo nên chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế dành cho người nghèo để hai vợ chồng chị Hoa (mẹ Chương-PV) khám chữa bệnh đỡ tốn kém. Theo điều kiện mới, năm 2014, gia đình Chương thuộc dạng nghèo, chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ tối đa để em có thể tiếp tục việc học. Chương rất ngoan, học giỏi và biết phụ giúp gia đình, địa phương ở đây rất quý và tận tình giúp đỡ em".



Tin nổi bật