Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thai phụ cần lưu ý những gì hậu COVID-19?

(DS&PL) -

Ở giai đoạn hiện nay, sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron cùng với số ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng nên nhiều mẹ bầu rất lo lắng.

COVID-19 có lây từ mẹ bầu sang thai nhi không?

Trao đổi với Tri thức trực tuyến, tiến sĩ Nguyễn Thị Sim, Phụ trách Trung tâm Can thiệp Bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố là đại dịch từ năm 2020. Vũ Hán (Trung Quốc) là nơi có lượng công dân nhiễm SARS-CoV-2 nhiều nhất ở thời thời điểm đó.

"Tại đây có hơn 10.000 thai phụ, trong đó, 65 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, khi kiểm tra máu cuống rốn, nước ối, nhau thai, mẫu dịch họng của các trẻ sơ sinh, hầu hết đều âm tính với SARS-CoV-2 . Do đó, kết quả giai đoạn đầu được công bố là SARS-CoV-2 không lây từ mẹ sang con", vị chuyên gia cho biết.

Tuy nhiên, kết quả tổng hợp từ 38 nghiên cứu mới đây ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới lại cho thấy SARS-CoV-2 vẫn có khả năng lây từ mẹ sang con nhưng với tỷ lệ rất thấp.

Cụ thể, thông qua việc lấy mẫu xét nghiệm từ mũi họng, tỷ lệ trẻ sơ sinh dương tính với SARS-CoV-2 là 2,9%. Trong khi đó, kết quả phân tích từ nhau thai được lấy sau khi thai phụ sinh cho thấy 7,7% mẫu dương tính với nCoV. Đối với máu cuống rốn, tỷ lệ này là 2,9%.

Ảnh minh họa.

Tiến sĩ Sim nhận định: "Như vậy, chúng ta có thể tạm hiểu vẫn có trường hợp thai nhi và trẻ sơ sinh nhiễm SARS-CoV-2 khi mẹ mắc COVID-19. Tuy nhiên, tỷ lệ này là rất thấp. Hàng rào gai nhau là lá chắn tốt cho em bé".

Tuy nhiên, vị chuyên gia nói thêm việc công bố kết luận chính thức SARS-CoV-2 có lây truyền từ mẹ sang con hay không vẫn là thách thức khá lớn. Ngành y tế trên thế giới vẫn cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.

Hậu COVID-19, bà bầu lưu ý những gì?

VnExpress dẫn lời bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, phụ nữ đang mang thai và chuẩn bị sinh nở phần lớn trẻ tuổi, nên những tổn thương ở phổi dường như không quá nặng nề cũng như hồi phục sau khỏi bệnh rất tốt. Mặc dù vậy, tương tự như những bệnh nhân COVID-19 khác, mẹ bầu sau khỏi bệnh cũng có thể có những triệu chứng COVID-19 kéo dài.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đa số trường hợp bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau mắc COVID-19. Song có khoảng 10-20% trường hợp có triệu chứng COVID-19 kéo dài vài tuần đến vài tháng, ở các mức độ từ nhẹ đến nặng, gọi là di chứng hậu COVID-19. Các triệu chứng thường gặp như sốt nhẹ, khó thở, mệt mỏi, ho kéo dài, đau khớp, rụng tóc, tim đập nhanh, đánh trống ngực, rối loạn tiêu hóa, ăn uống không ngon miệng, chán ăn, tiêu chảy, rối loạn vị giác, khứu giác...

Ảnh minh họa.

Ngoài ra, bác sĩ Mỹ Nhi khuyến cáo bệnh nhân giai đoạn hậu COVID-19 cũng có thể gặp các di chứng về tâm thần kinh như rối loạn tâm lý, lo âu, trầm cảm, giảm sự tập trung, rối loạn giấc ngủ, mau quên, nhạy cảm... Với thai phụ, di chứng tâm thần kinh hậu COVID-19 không chỉ ảnh hưởng sức khỏe và tinh thần mà còn ảnh hưởng cả em bé trong bụng. Do đó, bên cạnh việc thăm khám thai kỳ sau nhiễm COVID-19 và thăm khám các triệu chứng ở các chuyên khoa chuyên sâu nếu có, mẹ bầu cần khám thêm ở chuyên khoa tâm lý để được tư vấn, giải thích rõ hơn về các triệu chứng hậu COVID-19 và có biện pháp hồi phục triệu chứng, giảm bớt tâm lý lo âu.

Theo bác sĩ Mỹ Nhi, ở giai đoạn hậu COVID-19 thai phụ cần tiếp tục theo dõi và nâng cao sức khỏe để sớm hồi phục sức khỏe toàn diện. Trong đó các biện pháp chính gồm: tập hít sâu và thở ra nhẹ nhàng, chậm rãi, nhịp độ tăng dần theo ngày; thực hiện các bài tập vận động nhẹ nhàng như đi bộ, yoga ít nhất 30 phút mỗi ngày; bổ sung dinh dưỡng hợp lý theo tư vấn của chuyên gia giúp cơ thể mẹ nhanh hồi phục và đảm bảo dưỡng chất cho thai nhi. Đặc biệt, mẹ bầu nên sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, nghe nhạc thư giãn và nói chuyện với gia đình, bạn bè để giữ tinh thần vui vẻ, tích cực.

Phụ nữ cần tiêm vaccine ngừa COVID-19 từ trước khi mang thai. Nếu đã mang thai mà chưa tiêm mũi nào thì nên tiêm ở giai đoạn từ 13 tuần thai, thực hiện tốt 5K, để ngừa nguy cơ mắc bệnh hoặc tái nhiễm COVID-19. Bộ Y tế đã cho phép tiêm ngừa vaccine cho phụ nữ đang cho con bú mà không cần ngưng cho bé bú. Do đó, mẹ bầu hoàn toàn có thể tiêm ngừa vaccine ngay khi có lịch gọi tiêm.

Linh Chi (T/h)

Tin nổi bật