Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thái Nguyên: Kiên quyết xử lý các mặt hàng thực phẩm trôi nổi khu vực cổng trường học

  • Nguyễn Lâm
(DS&PL) -

Cục QLTT Thái Nguyên yêu cầu các Đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác quản lý nắm bắt địa bàn, rà soát, xác minh thông tin về dấu hiệu vi phạm của các cơ sở kinh doanh, các đại lý, cửa hàng bày bán bánh, kẹo, đồ uống… cho đối tượng là học sinh tại các khu vực gần các trường học trên địa bàn về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm...

Thông tin với PV Đời sống & Pháp luật, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Thái Nguyên cho biết trong thời gian qua, nhận được phản ánh của quần chúng nhân dân cũng như phản ánh trên các phương tiện truyền thông về các mặt hàng thực phẩm dưới dạng quà ăn vặt được bán tại khu vực gần các trường học không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhận thấy mức độ nghiêm trọng đồng thời nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng trên và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục QLTT Thái Nguyên đã yêu cầu các Đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác quản lý nắm bắt địa bàn, rà soát, xác minh thông tin về dấu hiệu vi phạm của các cơ sở kinh doanh, các đại lý, cửa hàng bày bán bánh, kẹo, đồ uống… cho đối tượng là học sinh tại các khu vực gần các trường học trên địa bàn về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm...; tiến hành việc kiểm nghiệm chất lượng, giám định về chất cấm đối với thực phẩm (khi có dấu hiệu vi phạm về chất lượng hoặc chất cấm).

Đồng thời, chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ; phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý triệt để các hành vi vi phạm (nếu có) đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

Đội QLTT số 4, Cục QLTT Thái Nguyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh, đại lý, cửa hàng bày bán bánh kẹo, đồ uống cho học sinh tại khu vực gần các trường học các cấp trên địa bàn thành phố Phổ Yên và thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.

Trong quá trình kiểm tra cần kết hợp tuyên truyền trực tiếp đến các tổ chức, cá nhân các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa; thực hiện việc công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, các Đội QLTT trực thuộc tập trung hậu kiểm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ, quảng cáo, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, nước giải khát thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trên địa bàn quản lý.

Trong dịp “Tết Trung thư”, các Đội QLTT trực thuộc tập trung hậu kiểm ATTP đối với các cơ sở sản xuất bánh Trung thu về nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất lượng thực phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm và giám sát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ của mặt hàng bánh Trung thu được bày bán trên thị trường.

Trong năm, các Đội QLTT trực thuộc thường xuyên, chủ động hậu kiểm ATTP với các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh các loại rượu và đồ uống có cồn, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột, bánh, mứt, kẹo và các sản phẩm thực phẩm khác thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trên địa bàn quản lý.

"Cục QLTT Thái Nguyên đã thường xuyên đôn đốc, giám sát, chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc thực hiện công tác hậu kiểm về ATTP thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo tại từng thời điểm trong năm hoặc chỉ đạo trực tiếp tại các buổi họp giao ban hàng tháng", Cục QLTT Thái Nguyên cho biết.

Kết quả trong năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều khởi sắc, tương đối sôi động nhưng không có nhiều diễn biến phức tạp. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ yếu là nhỏ lẻ dưới dạng hộ kinh doanh cá thể, với cơ sở vật chất cơ bản đảm bảo về an toàn VSTP.

Các cơ sở kinh doanh qua việc tự tìm hiểu quy định của pháp luật cũng như qua công tác tuyên truyền của lực lượng QLTT địa bàn đã chấp hành quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tương đối tốt, nghiêm túc, tự giác. Tuy nhiên, qua quá trình hậu kiểm, lực lượng QLTT Thái Nguyên vẫn phát hiện các cơ sở vi phạm trong đảm bảo điều kiện VSATTP trong sản xuất, kinh doanh, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu,... các vụ việc vi phạm chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún.

Cụ thể, Cục QLTT Thái Nguyên hậu kiểm về ATTP 136 vụ trong đó có 130 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 282 triệu đồng với trị giá hàng hoá khoảng 194 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm quy định về điều kiện, điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, thực phẩm bao gói; kinh doanh thực phẩm nhập lậu; kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; trưng bày để bán hàng hóa là thực phẩm giả mạo nhãn hiệu;

Cục QLTT Thái Nguyên cho biết để công tác kiểm tra, xử lý về vệ sinh ATTP đạt hiểu quả cao nhất, Cục QLTT Thái Nguyên đề nghị Tổng cục QLTT quan tâm đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ hoạt động kiểm tra nhanh thực phẩm để phát hiện các chất quá dư lượng, các chất cấm để phục vụ có hiệu quả cho công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, đề nghị Tổng cục QLTT tổ chức các buổi tập huấn chuyên đề về lĩnh vực ATTP để nâng cao kỹ năng kiểm tra, xử lý đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn, làm rõ thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT được quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ (được kiểm tra các đối tượng nào) trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

Ngày 30/11/2023, Đội QLTT số 4, Cục QLTT Thái Nguyên đồng loạt tiến hành kiểm tra đột xuất tại 3 cơ sở kinh doanh gần các cổng trường tiểu học Cải Đan thành phố Sông Công, trường tiểu học Bãi Bông và trường tiểu học Đồng Tiến thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện các cơ sở kinh doanh này đang bày bán 311 sản phẩm là thực phẩm gồm chân gà gói, kẹo mút, kẹo que và kẹo dẻo được bảo quản trong các hộp nhựa, khay giỏ hoặc đựng trong các túi bóng, đều không có tên thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, không ghi nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

Qua kiểm tra, các Hộ kinh doanh đều không cung cấp được bất cứ hợp đồng, hoá đơn mua bán, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá và tài liệu nào liên quan đến số hàng hoá nêu trên để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Đại diện các Hộ kinh doanh cho biết do các loại bánh kẹo này mẫu mã phong phú, đa dạng lại có giá thành rẻ phù hợp với nhu cầu của học sinh nên đã nhập của những đối tượng không biết tên tuổi, địa chỉ đến giao hàng để bán kiếm lời.

Đội trưởng Đội QLTT số 4 đã ban hành 3 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 03 cơ sở kinh doanh nêu trên về hành vi “Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ” với tổng số tiền phạt 2.400.000 đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ 311 đơn vị sản phẩm là thực phẩm có nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người.

Bên cạnh đó, các tổ quản lý địa bàn tiến hành ký cam kết và tuyên truyền tới các cơ sở kinh doanh về việc kinh doanh các mặt hàng phải có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng nhằm đảm bảo cho sức khỏe học sinh và người tiêu dùng. 

Nguyễn Lâm

Tin nổi bật