Mới đây, Khoa Nội tiết & Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nữ 32 tuổi, nhà ở ngoại thành Hà Nội từ khoa Sản chuyển sang.
Bệnh nhân mang thai lần thứ 4, một lần sảy, con thứ 2 nặng 4kg. Bệnh nhân được phát hiện đường máu cao từ tuần thai 28 nhưng không điều trị, ở những lần khám thai sau đó siêu âm thấy thai to và đa ối, nhưng bệnh nhân nghĩ bình thường vì cho rằng “mấy lần trước đẻ ở huyện vẫn OK”, thậm chí khi có triệu chứng khát nước, tiểu nhiều cũng mặc kệ.
Chủ quan khi mắc đái tháo đường thai kỳ khiến bà mẹ hối hận không kịp
Cách đây 1 tuần, ở tuần thai thứ 40, khi đi khám thấy tim thai chậm và được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai thì đã mất tim thai, và do thai to nên phải mổ lấy thai lưu.
Qua hỏi và khám bệnh thì thấy bệnh nhân này và cả bác sỹ khám thai đã quá chủ quan, vì có rất nhiều yếu tố nguy cơ hoặc dấu hiệu bị đái tháo đường (ĐTĐ) như:
- Tiền sử có bố đẻ bị đái tháo đường typ 2
- Mang thai lần thứ 4
- Có tiền sử đẻ con to (4kg)
- Thai to và đa ối
- Đã phát hiện đường máu cao
- Có triệu chứng của đái tháo đường
- Xét nghiệm HbA1C lúc vào viện là 8,3% chứng tỏ đường máu cao từ 3-4 tháng trước
Vị vậy thai chết lưu là hậu quả tất yếu, có thể do bị nhiễm toan hoặc bị dị tật tim, thần kinh nặng...
Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo, những phụ nữ có thai mà có các yếu tố nguy cơ sau: tuổi > 35, mang thai nhiều lần hoặc thai IVF, tiền sử đẻ con to, gia đình có người thân bị đái tháo đường typ 2, có thừa cân – béo phì, tiền sử hội chứng buồng trứng đa nang hoặc tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ ở lần mang thai trước... thì cần được sàng lọc đái tháo đường thai kỳ ngay trong 3 tháng đầu.
Ở những lần khám thai đầu, nếu không bị đái tháo đường thì cần kiểm tra lại ở tuần thai 24-28. Nếu được chẩn đoán ĐTĐ/ ĐTĐ thai kỳ thì cần điều trị ngay bằng chế độ ăn + tập luyện và theo dõi đường huyết mao mạch tại nhà, và đi khám định kỳ chuyên khoa Nội tiết mỗi 1-3 tuần.