Tết “Pây Tái” có từ bao giờ?
Tết "Pây Tái" hay còn gọi là "Pây Tai" của người Tày, Nùng ở Cao Bằng diễn ra vào ngày mùng 2 Tết và dịp rắm tháng Bảy hàng năm.
Theo Tiến sĩ Triệu Thị Kiều Dung, Nhà nghiên cứu VHDG dân tộc Tày- Nùng, Tết "Pây Tái" là tập tục có từ lâu đời, xa xưa, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. "Tái" có nghĩa là bố mẹ vợ, ông bà ngoại, "Pây Tái" có ý nghĩa là một nghi lễ tri ân, báo hiếu ông bà tổ tiên, tri ân những người có công sinh thành ra mình.
"Cũng để báo cáo với tổ tiên biết rằng, con gái đi lấy chồng, qua một năm làm nụng vất vả sinh sống bên nhà chồng vẫn bình yên mạnh khỏe, vui vẻ, hạnh phúc", Tiến sĩ Dung cho hay.
Tiến sĩ Triệu Thị Kiều Dung cho hay, "Pây Tái" là nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Tày, Nùng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa tìm thấy tài liệu nào nói về Tết "Pây Tái" có từ bao giờ và bắt nguồn từ đâu. Thế nhưng cứ ngày mùng 2 Tết và rằm tháng Bảy, những người phụ nữ đã đi lấy chồng sẽ mang theo lễ vật bao gồm bánh kẹo, hoa quả, rượu, bánh gai, bánh rợm cùng con gà trống thiến hoặc cặp vịt béo (vào Tết "Pây Tái" rằm tháng Bảy) về nhà ngoại ăn Tết.
Cặp vợ chồng dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng cùng con cái đi Tết “Pây Tái”
Tết "Pây Tái" với người Cao Bằng vô cùng quan trọng. Nó thể hiện tinh thần của đạo hiếu sâu sắc và truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Cứ đến Tết "Pây Tái", người người đi tái, nhà nhà đi tái tạo nên một ngày lễ vô cùng độc đáo, ấn tượng và đặc sắc ở Cao Bằng.
Chẳng ai biết Tết "Pây Tái” có từ bao giờ, chỉ biết rằng phong tục đặc sắc này được lưu truyền qua nhiều thế hệ và vẫn đang được đồng bào dân tộc Tày, Nùng tại Cao Bằng nói riêng và cộng đồng Tày, Nùng Việt Nam nói chung lưu giữ cho đến tận ngày hôm nay.
Mùng 2 Tết, người người “đi tái”, nhà nhà “đi tái”
Người Tày, Nùng quan niệm rằng, những người phụ nữ sau khi đi lấy chồng, quanh năm phải cùng chồng con lo toan việc làm ăn ở nhà chồng và phải quán xuyến hương khói thờ phụng ông, bà, tổ tiên nhà chồng. Chính vì vậy, ngày mùng 2 tháng giêng và ngày rằm tháng bảy là dịp người phụ nữ cùng chồng con mình trở về nhà bố mẹ đẻ để tự tay được chăm sóc, báo hiếu cho bố mẹ mình. Đây cũng là dịp để những chàng rể thể hiện tấm lòng biết ơn của mình đối với bố mẹ vợ.
Trong dịp Tết "Pây Tái", người phụ nữ Tày, Nùng sẽ cùng chồng chuẩn bị quà để "Pây Tái" bên nhà ngoại. Thông thường, quà "Pây Tái" của đồng bào Tày, Nùng ở Cao Bằng sẽ bao gồm: con gà trống thiến (hoặc cân thịt heo), bánh khảo, 2 cặp bánh chưng và cặp rượu do nhà nấu. Nếu cặp vợ chồng nào kinh tế khá hơn chút thì mua thêm gói kẹo, cân trà và gói bột ngọt làm quà biếu bố mẹ, anh em, họ hàng. Khi đã chuẩn bị đầy đủ "lễ vật", đúng ngày mùng 2 Tết, người phụ nữ Tày, Nùng sẽ cùng chồng con sang thăm bên nhà ngoại.
Tùy từng địa phương, dân tộc, cũng như điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, mà đồ lễ sẽ có sự khác nhau. Tuy nhiên, những món quà "Pây Tái" đều mang ý nghĩa chung là cầu mong sức khỏe, bình an đến với gia đình và nhất là thể hiện lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên và những người đã khuất trong dòng họ. Đây không chỉ là một nét văn hóa truyền thống độc đáo mà lễ "Pây Tái" còn là dịp để các thế hệ con cháu nhớ về công ơn của những đấng sinh thành, nhớ về tổ tiên, nguồn cội.
Tại nhà ngoại, người phụ nữ sẽ tự tay sửa soạn mâm cơm cúng tổ tiên, để thể hiện lòng hiếu đạo, ghi nhớ ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục đối với cha mẹ, thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" nói chung của người Việt Nam.
Trong khi đó, người con rể sẽ được tiếp đón chu đáo, và cùng tham dự bữa cơm thân mật với các anh em trong dòng họ, với không khí ấm cùng, hạnh phúc trong ngày đầu năm mới. Mâm cơm sum họp trong ngày trở về chính là sự gắn kết tình thân ái gia đình của người Tày, Nùng, cao hơn nữa là tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng, làng xã, đất nước.
Gà trống thiến không thể thiếu trong giỏ quà Tết nhà ngoại của người dân tộc Tày, Nùng
Chị Nông Thu Hằng (35 tuổi, dân tộc Tày, Cao Bằng) cho biết: "Trong dịp Tết Nguyên đán, ngày lễ Pây Tái được tôi mong đợi nhất. Từ sáng sớm, tôi đã chuẩn bị quà cáp rồi cùng chồng con về bên bố mẹ đẻ. Đồ lễ mỗi năm tôi chuẩn bị không giống nhau, nhưng nhất định phải có một con gà trống thiến".
Chị Hằng gọi, Tết "Pây Tái" như một ngày đoàn viên đầu năm mới, bởi chị sẽ được ăn bữa cơm có đầy đủ ông bà, bố mẹ và các anh chị em trong nhà.
Khi con cháu về, bên ngoại sẽ mừng tuổi cho các cháu bằng những đồng tiền được gói trong tờ giấy đỏ, mang ý nghĩa ban phát tài, lộc cho con cháu... Đồ lễ đem sang ngoại để cúng tổ tiên trước khi về được chia phần, thể hiện tình cảm chân thành giữa hai bên thông gia.
Hiện nay Tết "Pây Tái" của đồng bào Tày, Nùng ở Cao Bằng vào ngày mùng 2 Tết vẫn giữ nguyên được những nét truyền thống từ ngàn xưa, mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Dù cách làm, phong tục mỗi nơi có khác, nhưng tấm lòng hiếu kính với cha mẹ, tổ tiên trong ngày Tết đều hàm chứa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Tết "Pây Tái" là một nét văn hóa truyền thông, là một phong tục tập quán hết sức tốt đẹp cần được bảo tồn, lưu giữ và tiếp nối cho muôn đời sau, góp phần bảo tồn không gian văn hóa chung của đồng bào các dân tộc.
Hoàng Yên