Tây Du Ký 1986 là phiên bản phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Ngô Thừa Ân. Dù được chiếu lại hàng nghìn lần trong hơn 30 năm qua và nhận được cảm tình lớn của khán giả nhưng nhiều chi tiết trong phim được cho là không chính xác và đã gây hiểu nhầm.
Đường Tăng không biết rung động
Trong Tây Du Ký 1986, có một tập phim vô cùng đặc biệt khiến khán giả thích nhất chính là tập 4 thầy trò Đường Tăng tới Nữ Nhi Quốc. Theo đó, đoàn làm phim đã xây dựng câu chuyện tình ngắn ngủi trong mộng giữa Đường Tăng và Nữ vương Nữ Nhi Quốc.
Trong phiên bản Tây Du Ký 1986, Đường Tăng được cho là có tình cảm với Nữ vương Nữ Nhi Quốc.
Trong phim, dù hiểu được tình ý từ phía Nữ vương Nữ Nhi Quốc nhưng Đường Tăng vẫn giữ bình tĩnh và lựa chọn tiếp tục con đường thỉnh kinh. Vào thời khắc chia ly, nhiều người cho rằng Đường Tăng cũng ít nhiều cảm thấy nuối tiếc khi phải từ bỏ đoạn đường tình.
Tuy nhiên, theo nguyên tác, ngay từ đầu Đường Tăng thực ra vô cùng kiên định từ đầu tới cuối, không mảy may động lòng. Còn Nữ vương Nữ Nhi Quốc trên thực tế cũng không hề dịu dàng như trên phim mà là người tương đối phóng khoáng và mạnh mẽ.
Có thể thấy, khác với hình ảnh trên phim, Đường Tăng trong tác phẩm của Ngô Thừa Ân vốn chưa từng rung động trước Nữ vương Nữ Nhi Quốc hay bất kỳ nữ nhân nào khác trên suốt hành trình thỉnh kinh.
Trư Bát Giới mới là người gánh hành lý
Khán giả Tây Du Ký 1986 có lẽ đã quen thuộc với hình ảnh Sa Tăng là người gánh hành lý của cả 4 thầy trò trên đường thỉnh kinh. Nhưng theo nguyên tác, khi luận công ban thưởng, Phật Tổ Như Lai từng nói: "Chư Ngộ Năng, ngươi vốn là Thiên Bồng Nguyên Soái, vì tại hội bàn đào uống say mà chọc ghẹo tiên nga nên bị giáng xuống trần đầu thai, quy về đại giáo, phò tá Đường Tăng thỉnh kinh, có công gánh vác hành lý, thăng ngươi làm chính quả Tịnh Đàn sứ giả.
Hình ảnh Sa Tăng gánh hành lý của 4 thầy trò đã trở nên quen thuộc với khán giả Tây Du Ký 1986.
Sa Ngộ Tĩnh, người vốn là Quyển Liêm đại tướng, do làm vỡ chén Lưu Ly ở hội bàn đào nên bị đày xuống sông Lưu Sa làm yêu quái, sau phò tá Đường Tăng, có công dắt ngựa, thăng làm chính quả Kim Thân La Hán".
Như vậy thực chất, theo nguyên tác ban đầu của tác giả Ngô Thừa Ân, Trư Bát Giới mới là người gánh hành lý còn Sa Tăng là người dắt ngựa.
Chỉ có Tôn Ngộ Không phải đeo kim cô
Ban đầu, Phật Tổ Như Lai truyền cho Bồ tát 3 chiếc vòng kim cô để Đường Tăng đeo cho cả 3 đồ đệ. Theo đó, khi Quan Âm thu nhận Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng đi phò tá Đường Tăng, cũng từng dặn dò cả 3 đều phải đeo vòng.
Theo nguyên tác, Tôn Ngộ Không là nhân vật duy nhất phải đeo vòng kim cô vì ngang bướng, không chịu nghe lời.
Thế nhưng chỉ dó duy nhất Ngộ Không bản tính ngang bướng, không chịu nghe lời sư phụ nên mới phải đeo vòng kim cô. Trong khi đó, 2 sư đệ Bát Giới và Sa Tăng vốn dễ bảo hơn nên không phải dùng tới bảo bối này.
Bởi vậy, 2 chiếc vòng còn lại sau đó đã được Quan Âm đem dùng để trị yêu, 1 cái đeo cho Hắc Hùng Tinh và 1 cái cho Hồng Hài Nhi.
Minh Hạnh (T/h)