Ngày càng tiến sâu hơn vào không gian giữa các vì sao, tàu vũ trụ Voyager 2 đã mất liên lạc kể từ khi các chuyên viên điều khiển vô tình gửi sai lệnh hơn một tuần trước. Mặc dù việc này chỉ khiến ăng-ten của con tàu này lệch khỏi Trái Đất 2% nhưng vẫn gây gián đoạn kết nối.
Ngày 31/7, NASA cho biết ăng-ten đĩa khổng lồ của cơ quan này tại Canberra (Australia) đang dò tìm tín hiệu từ tàu vũ trụ Voyager 2 ở cách Trái Đất hơn 12 tỷ dặm (tương đương 19 tỷ km). Được biết, phải mất hơn 18 tiếng để tín hiệu có thể truyền được đến Trái Đất ở khoảng cách rất xa như vậy.
Tàu vũ trụ Voyager 2 mất liên lạc sau khi chuyên viên điều khiển vô tình gửi sai lệnh hơn một tuần trước. Ảnh minh họa: NASA
Theo thông tin trên Guardian, tàu vũ trụ Voyager 2 được phóng từ bang Florida (Mỹ) vào năm 1977, với mục đích nghiên cứu không gian bên ngoài hệ Mặt Trời cũng như Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương.
Đáng chú ý, Voyager 2 được phóng lên trước "người anh em song sinh" Voyager 1 chỉ hai tuần. Tàu bắt đầu thám hiểm không gian giữa các vì sao vào năm 2018, qua đó phát hiện một loạt các mặt trăng mới trên Sao Thiên Vương và một mặt trăng trên Sao Mộc.
Nằm cách xa 15 tỷ dặm (tương đương 24 tỷ km), Voyager 1 hiện vẫn đang giữ liên lạc với Trái Đất và là tàu vũ trụ xa nhất của nhân loại. |
Theo Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực thuộc NASA, trong tuần tới, ăng-ten Canberra - một phần của Mạng lưới giám sát Không gian sâu - sẽ liên tục gửi lệnh chính xác mới đến khu vực lân cận của Voyager 2, với hy vọng thành công kết nối lại với tàu vũ trụ này.
Nếu biện pháp này không hiệu quả, NASA sẽ phải đợi đến đợt tái thiết lập tàu vũ trụ tự động vào tháng 10 để có thể khôi phục liên lạc.
Đinh Kim (Theo Guardian)