Ngày 28/8, UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường biện pháp, giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 và tháng cao điểm an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh đến trường năm học mới.
Theo đó, UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu Ban ATGT tỉnh chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông, các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân, du khách chấp hành các quy định pháp luật về trật TTATGT; tiếp tục tuyên truyền về nguy cơ, nguyên nhân làm gia tăng tai nạn giao thông trong dịp nghỉ Lễ quốc khánh 2/9; khẩu hiệu tuyên truyền "Đã uống rượu, bia - không lái xe"; "Không sử dụng điện thoại khi lái xe"; "Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện"; "Thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô".
Ảnh minh hoạ
Công an tỉnh Hải Dương chỉ đạo lực lượng chức năng của ngành, công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT với tinh thần thượng tôn pháp luật, xử lý quyết liệt, kiên trì, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tập trung xử lý các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như vi phạm quy định nồng độ cồn, ma tuý, vi phạm tốc độ.
Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép; cương quyết xử lý, trấn áp những đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ; tăng cường lực lượng điều tiết, phân luồng hợp lý, hướng dẫn lưu thông an toàn, thông suốt, nhất là trên các tuyến đường, các khu vực được dự báo sẽ có lưu lượng tăng cao trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh; chủ động có phương án tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, nhất là trên tuyến, khu vực có nguy cơ cao dẫn tới TNGT, ùn tắc giao thông trên địa bàn.
UBND tỉnh Hải Dương giao Sở GTVT tỉnh chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải có phương án bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải, bảo đảm ATGT, nhất là hoạt động vận chuyển hành khách bằng đường bộ trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của học sinh, sinh viên bước vào năm học mới.
Tăng cường quản lý hoạt động vận tải ngay từ đầu bến, bãi; Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo rà soát các trường học có hoạt động sử dụng xe ô tô hợp đồng đưa, đón học sinh, yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong đưa đón học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - tháng 9”, chỉ đạo và hướng dẫn các trường học đẩy mạnh giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, tăng cường hướng dẫn học sinh chấp hành các quy tắc giao thông khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh vận động cha, mẹ, người giám hộ hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông, nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông, có biện pháp quản lý và ký cam kết chấp hành pháp luật về ATGT, không giao xe máy cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe phù hợp; phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm TTATGT khu vực cổng trường.
UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Ban ATGT, các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng của huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân, du khách chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT.
Tổ chức tuyên truyền, vận động các dòng họ, gia đình tích cực nhắc nhở, vận động con em trong độ tuổi thanh thiếu niên, nhất là học sinh không điều khiển xe mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi, khi chưa có giấy phép lái xe và khi chưa đủ kỹ năng; tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng chức năng - nhà trường - gia đình trong việc quản lý và giáo dục học sinh về TTATGT, trong đó chú trọng công tác trao đổi thông tin về vi phạm TTATGT của học sinh giữa lực lượng chức năng tới nhà trường và từ nhà trường tới gia đình để cùng quản lý và giáo dục về ATGT với trẻ em.
Chủ động có phương án tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, nhất là trên tuyến, khu vực có nguy cơ cao dẫn tới TNGT, ùn tắc giao thông trên địa bàn; rà soát các địa điểm khu vực có nguy cơ sạt lở cao và tăng cường cảnh báo nếu cần thiết trên các tuyến đường do địa phương quản lý; kiểm soát chặt chẽ dịch vụ vận chuyển đưa, đón học sinh, đồng thời xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm các quy định về vận chuyển đưa, đón học sinh; tăng cường tổ chức giao thông khu vực trường học; tăng cường quản lý hoạt động vận tải ngay từ đầu bến, bãi;
Đối với các địa phương có đường sắt đi qua, có hoạt động vận tải thủy nội địa đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo đảm ATGT đường sắt, đường thủy nội địa, nhất là tại các đường ngang và các bến đò, phà chở khách qua sông; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các bến đò, phà không bảo đảm các điều kiện an toàn về người và phương tiện; thực hiện nghiêm việc cảnh giới tại các lối dân sinh theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban ATGT tỉnh.