(ĐSPL) - Quyết định chính thức tăng thuế xuất khẩu vàng trang sức lên 2\% của Bộ Tài chính khiến nhiều doanh nghiệp vàng như "kiến bò chảo lửa".
Chính thức tăng thuế xuất khẩu vàng trang sức lên mức 2\% từ ngày 7/5
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 36/2015/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng vàng trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng thuộc các nhóm 71.13, 71.14, 71.15 tại Biểu thuế xuất khẩu. Mức điều chỉnh là từ 0\% lên 2\%, bắt đầu từ ngày 7/5/2015.
Theo đó, các mặt hàng được điều chỉnh thuế gồm: Đồ trang sức và các bộ phận rời của đồ trang sức bằng vàng, có hàm lượng vàng từ 95\% trở lên; đồ kỹ nghệ vàng hoặc bạc và các bộ phận rời của đồ kỹ nghệ vàng bạc bằng vàng, đã hoặc chưa mạ hoặc dát phủ kim loại quý, có hàm lượng vàng từ 95\% trở lên; các sản phẩm khác bằng vàng, đã hoặc chưa mạ hoặc dát phủ kim loại quý, có hàm lượng vàng từ 95\% trở lên.
Các mặt hàng đồ kim hoàn bằng vàng, đồ kỹ nghệ bằng vàng và các sản phẩm khác bằng vàng để được áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu 0\% cần phải đáp ứng điều kiện: Ngoài hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu theo quy định chung, phải có Phiếu kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng dưới 95\% do tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ cấp.
Video: Tràn lan vàng trang sức nhập lậu (Theo VTV).
Trường hợp các mặt hàng là đồ kim hoàn bằng vàng, đồ kỹ nghệ bằng vàng và các sản phẩm khác bằng vàng xuất khẩu theo hình thức gia công xuất khẩu hoặc có đủ điều kiện xác định là được sản xuất từ toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu, xuất khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu thì khi làm thủ tục hải quan thực hiện theo quy định hiện hành, không phải xuất trình Phiếu kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng.
Đối với trường hợp xuất khẩu theo hình thức sản xuất xuất khẩu, khi làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp phải xuất trình giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu của ngân hàng nhà nước theo quy định tại Thông tư số 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CPcủa Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Các tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định gồm: Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3, Viện Ngọc học và Trang sức Doji, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu – Trung tâm vàng hoặc tổ chức có quyết định chỉ định tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Quyết định chính thức tăng thuế xuất khẩu vàng trang sức lên 2\% từ ngày 7/5 của Bộ Tài chính khiến nhiều doanh nghiệp vàng như "kiến bò chảo lửa". |
|
Doanh nghiệp vàng như "kiến bò chảo lửa"
Thông tin trên báo Đầu tư, việc tăng thuế xuất khẩu vàng khiến nhiều DN vàng lo lắng. Trước đó, khi Bộ Tài chính ban hành dự thảo Thông tư trên, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đã có công văn số 44/2014 gửi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ lo ngại về mức thuế 2\% nêu trên.
Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, hiện Chính phủ đã có chủ trương thu hẹp sản xuất, kinh doanh vàng miếng và khuyến khích vàng trang sức, mỹ nghệ. Vì vậy, thời gian qua, các DN đã đầu tư mạnh mẽ cho phát triển hoạt động sản xuất- kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, tuyển dụng thêm hàng ngàn lao động.
Tuy nhiên, do nền kinh tế đang gặp khó khăn, tổng cầu suy giảm mạnh, nên hoạt động tiêu thụ vàng trang sức, mỹ nghệ ở trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp vàng bạc đá quý đang tìm cách đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu mặt hàng này, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn, do từ một vài năm nay, các doanh nghiệp này chưa được phép vay vốn tín dụng ngân hàng và chưa được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mà chủ yếu phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường.
Hơn nữa, từ nhiều tháng nay, giá vàng Việt Nam luôn cao hơn khá nhiều so với giá vàng quốc tế và chênh lệch giá mua, bán vàng cũng không đáng kể, chỉ khoảng 1/1.000.
Trong khi đó, các doanh nghiệp vàng bạc đá quý Trung Quốc, Thái Lan, Inđônêxia, Ấn Độ… đang có rất nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các doanh nghiệp Việt Nam (thuế xuất khẩu bằng 0\%, được nhập khẩu nguồn nguyên liệu, chi phí nhân công rẻ hơn, thiết bị và công nghệ sản xuất hiện đại hơn…), đồng thời chính sách vĩ mô của các quốc gia này cũng rất ổn định để khuyến khích phát triển thị trường vàng bạc đá quý.
Vì vậy, các doanh nghiệp vàng bạc đá quý Việt Nam sẽ không thể thực hiện xuất khẩu được mặt hàng vàng trang sức, mỹ nghệ trong thời gian tới, nếu phải chịu mức thuế suất 2\% như quy định tại dự thảo Thông tư nói trên.
Ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết với mức thuế 0\% doanh nghiệp đã phải chật vật tìm cách tồn tại bây giờ nếu nâng lên 2\% coi như hoạt động xuất khẩu sẽ ngừng hẳn trở về con số 0 tròn chĩnh. Doanh nghiệp khó khăn, công nhân thất nghiệp dẫn tới nhiều hệ lụy xấu cho nền kinh tế.
Trái ngược với doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp nội kinh doanh vàng lại không mấy lo lắng. Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận - đơn vị xuất khẩu vàng nữ trang lớn nhất cả nước cho biết không bị ảnh hưởng bởi quyết định tăng thuế đối với mặt hàng nữ trang 99,99. PNJ chỉ xuất khẩu nữ trang vàng 18k, 14k, gần đây có cả 8k. Từ đầu năm đến nay, công ty đã xuất khẩu được 24 triệu USD với khoảng 10 triệu sản phẩm nữ trang, tăng 42\% so với năm ngoái.
Còn trung tâm Vàng Ngân hàng Á Châu (ACB) vì doanh nghiệp chỉ xuất khẩu vàng miếng 99,99. Theo quyết định mới, vàng miếng có hàm lượng dưới 99,99 mới bị đánh thuế.
Ngọc Anh (Tổng hợp)