Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tăng cường kiểm soát hàng hóa trên sàn thương mại điện tử dịp cuối năm

  • Thành Lâm
(DS&PL) -

Thời điểm cuối năm, nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu của người dân để gian lận trong kinh doanh, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm trục lợi.

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán trên sàn thương mại điện tử

Cục QLTT Hà Nội phát hiện, xử lý các kho chứa hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng được bán online.

Trong những ngày cuối năm 2024, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán 2025, nhu cầu mua sắm các loại hàng hóa của người dân càng tăng cao. Đặc biệt, vì tính chất nhanh, tiện lợi mà việc mua sắm trên các sàn thương mại điện tử trở thành lựa chọn hàng đầu cho nhiều người.

Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt là khi mua sắm tại các gian hàng thương mại điện tử, và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, các hành vi gian lận thương mại,… Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 24/KH-QLTTHN ngày 30/10/2024 về việc triển khai cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại các tháng cuối năm 2024 và dịp tết dương lịch; trước, trong và sau Tết nguyên đán Ất Tỵ trên địa bàn thành phố và văn bản số 1393/QLTTHN-NVTH ngày 06/12/2024 về việc phối hợp với lực lượng Công an thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, an toàn Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Trong thời gian triển khai cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2024 và dịp cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ, lực lượng QLTT Hà Nội đã phối hợp với lực lượng Công an và các lực lượng chức năng khác kiểm tra, xử lý 44 vụ vi phạm; Phạt hành chính 865.905.000 đồng; trị giá hàng hóa vi phạm 975.161.000 đồng; Trong đó các đoàn kiểm tra liên ngành của Ban chỉ đạo 389 Thành phố đã kiểm tra, xử lý 17 vụ vi phạm; phạt hành chính 691.900.000 đồng; trị giá hàng hóa vi phạm 672.693.000 đồng.

Lực lượng chức năng đã phối hợp kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm với số lượng hàng hóa lớn, có tính chất nghiêm trọng, một số vụ việc được chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an để điều tra, khởi tố kịp thời.

Bóc trần các thủ đoạn tinh vi

Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, ông Dương Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội cho biết: “Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ rất đa dạng. Đối với hàng hoá đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó sản xuất thì các đối tượng thường đặt sản xuất gia công ở nước ngoài sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ; đối với hàng hoá không đòi hỏi kỹ thuật cao, mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp với đa số người lao động có thu nhập thấp thường được sản xuất ngay trong nước, tại các khu công nghiệp, làng nghề… Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được bán trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính”.

Cục QLTT kiểm tra một kho hàng "livestream" chốt hàng nghìn đơn mỗi ngày, không có hóa đơn chứng từ rõ ràng.

Cũng theo ông Hùng, các đối tượng thường áp dụng thủ đoạn sử dụng một địa chỉ cố định để thực hiện giao dịch hoặc livestream bán hàng, nhưng lại tập kết và tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau. Thậm chí, họ kết hợp địa điểm giao dịch với nơi ở, nơi cất giấu hàng hóa, điều này gây khó khăn lớn cho công tác giám sát, kiểm soát, và kiểm tra. Hơn nữa, hầu hết các giao dịch này không có hóa đơn, chứng từ đầy đủ, làm cho việc phát hiện, quản lý và xử lý vi phạm trở nên phức tạp hơn.

Người dân cần tỉnh táo và cẩn trọng

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết: “Năm 2024, các giao dịch mua bán trên các sàn thương mại điện tử cũng phát triển nhanh chóng. Nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở để lập các gian hàng online, bán hàng nhái, hàng kém chất lượng với giá thành vô cùng rẻ. Người dân khi mua hàng nên lựa chọn những nền tảng trực tuyến uy tín, xem xét so sánh giá các sản phẩm chính hãng tại các gian hàng. Có thể yêu cầu người bán xuất hóa đơn chứng từ rõ ràng để được áp dụng các chính sách bảo hành, đổi trả hoặc những chế độ hậu mãi đi kèm. Nhất là đối với các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bản thân và gia đình.”.

Theo đại diện Cục QLTT Hà Nội, để người tiêu dùng, kinh doanh mua bán lẻ hạn chế việc mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, cơ quan chức năng đã có nhiều khuyến cáo, và hướng dẫn những điều cơ bản, cần biết khi mua hàng nhằm tránh những thiệt hại không cần thiết.

Đối với hàng hóa có giá trị lớn, người mua hàng phải yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ hóa đơn bán hàng, phiếu bảo hành của nhà sản xuất, kiểm tra thời gian bảo hành có phù hợp với hàng hóa; trên nhãn hàng hóa phải ghi đầy đủ thông tin bắt buộc như: tên hàng hóa, cơ sở sản xuất, thành phần, lô hàng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, khuyến cáo an toàn, mã vạch, nhãn phải nguyên vẹn, không cạo sửa, dán đè nội dung trên nhãn. Đối với hàng nhập khẩu phải có nhãn phụ, phiếu bảo hành và hướng dẫn sử dụng bằng tiếng việt, tem chống giả (nếu có), đơn vị nhập khẩu.

Đối với hàng hóa tiêu dùng thông thường khi mua hàng cần phải kiểm tra nhãn hàng hóa, trên nhãn phải có đầy đủ nội dung bắt buộc (tên hàng hóa, nhà sản xuất, thành phần, công bố chất lượng, lô hàng, mã vạch, ngày sản xuất, hạn sử dụng, khuyến cáo an toàn), trường hợp có in tiếng nước ngoài thì phải nhỏ hơn tiếng việt; ngoài ra kiểm tra đặc tính sản phẩm, điều kiện bảo quản có đúng theo qui định của nhà sản xuất in trên nhãn hay không. Sản phẩm phải nguyên đai, nhãn không bị tẩy xóa, sửa chữa, dán chồng lên nội dung ghi trên nhãn.Yêu cầu người bán hàng phải cung cấp hóa đơn bán lẻ.

Ngoài việc kiểm tra các nội dung trên, người tiêu dùng nên chọn nhà bán hàng có uy tín, cơ sở kinh doanh có địa chỉ rõ ràng, hoặc sử dụng phần mềm kiểm tra xuất xứ từ mã vạch để xác định có phải hàng chính hãng hay không.

Trước đó, với vai trò Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố, Cục QLTT TP Hà Nội đã tham mưu xây dựng Kế hoạch số 10/KH-BCĐ389/TP ngày 18/10/2024 của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội về kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội; đồng thời ban hành Quyết định số 506/QĐ-QLTTHN ngày 22/10/2024 về thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán năm Ất Tỵ 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tin nổi bật