Ngày 16/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương chủ trì Hội nghị.
Theo UBCKNN, tính đến cuối tháng 6/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.245,32 điểm, tăng 10,2% so với cuối năm trước.Số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư tiếp tục tăng trưởng, đạt hơn 8 triệu tài khoản vào cuối tháng 6/2024.
Trong 6 tháng đầu năm, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính và sự nỗ lực trong công tác quản lý, điều hành của UBCKNN, Ủy ban đã đảm bảo tốt các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra trên nhiều lĩnh vực công tác như: Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quản lý hoạt động các tổ chức kinh doanh chứng khoán; hoạt động chào bán chứng khoán, quản lý công ty đại chúng, kiểm soát chất lượng kiểm toán; thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm; hợp tác đối ngoại; và thông tin, tuyên truyền…
Bên cạnh đó, UBCKNN đã tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, tích cực, quyết liệt, triển khai các giải pháp để thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí nâng hạng.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: SSC.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương đánh giá cao những kết quả tích cực đạt được trong 6 tháng đầu năm, trong đó có sự nỗ lực của các đơn vị thuộc và trực thuộc UBCKNN, các Sở GDCK và VSDC trong công tác quản lý, điều hành, hỗ trợ hiệu quả cho sự tăng trưởng ổn định, an toàn của thị trường chứng khoán.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBCKNN đề nghị các đơn vị của UBCKNN và các Sở GDCK, VSDC tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, phối hợp hiệu quả để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán. Theo đó, các đơn vị cần bám sát kế hoạch, giải pháp đã đề ra để triển khai hiệu quả các mặt công tác, trong đó chú trọng tới 6 mục tiêu trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường, trong đó tập trung triển khai Chương trình hành động của UBCKNN thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Thứ hai, đẩy mạnh hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Thứ ba, tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra để bảo đảm cho thị trường chứng khoán phát triển bền vững, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.
Thứ tư, tiếp tục tái cấu trúc các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để nâng cao năng lực hoạt động và an toàn tài chính của các tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Thứ năm, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, khuyến khích đầu tư nước ngoài dài hạn, đào tạo nhà đầu tư cá nhân.
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, tổ chức đối thoại thường xuyên giữa cơ quan quản lý với các cơ quản quản lý các nước, các tổ chức quốc tế để có giải pháp, chính sách phù hợp với tình hình thế giới, điều kiện của Việt Nam.