Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tân sinh viên nhà nghèo nặng trĩu nỗi lo trước ngày nhập trường

(DS&PL) -

Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng nam sinh quê Hà Tĩnh đã nỗ lực vươn lên đạt 25 điểm khối C trong kỳ thi THPT Quốc gia và trở thành tân sinh viên trường ĐH Quốc gia Hà Nội.

Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng nam sinh quê Hà Tĩnh đã nỗ lực vươn lên đạt 25 điểm khối C trong kỳ thi THPT Quốc gia và trở thành tân sinh viên trường đại học Quốc gia Hà Nội. Song con đường đến giảng đường Đại học, theo đuổi giấc mơ vẫn là nỗi lo lắng, bởi có muôn vàn khó khăn đang chờ đợi em ở phía trước.

Một góc học tập của Tiến thường ngày

Trong căn nhà cấp 4 khiêm tốn nằm ở cuối thôn của gia đình em Nguyễn Văn Tiến (SN 2001, trú tại thôn Tân Hương, xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) mấy ngày nay tràn ngập niềm vui khi Tiến vừa nhận được giấy báo đậu vào Khoa luật, trường đại học Quốc gia Hà Nội với số điểm 25,5 (trong đó Sử 9, Đại 9, Văn 7, 0,5 điểm vùng miền).

Cầm giấy báo nhập học trên tay, Tiến rưng rưng nước mắt khi không biết nên chọn việc học hay nghỉ bởi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

Tiến là con trai cả trong một gia đình bần nông có 3 anh em. Bố em bị dị tật bẩm sinh từ nhỏ nên chỉ có thể đi nhặt ve chai kiếm sống, mọi khó khăn đều đè nặng lên vai người mẹ với vài sào ruộng.

Từ nhỏ Tiến sống trầm lặng, khép kín, cậu chỉ có 4 bức tường làm bạn. Bị bạn bè khinh bỉ, dị nghị chỉ vì bố tật nguyền, nhà nghèo nên khi hỏi đến tuổi thơ, Tiến chỉ lắc đầu và nói em buồn lắm. Thường ngày sau mỗi buổi học, Tiến lại ra đồng làm việc cùng mẹ, hay những lúc nghỉ hè, em lại cặm cụi đạp xe xuống TP. Hà Tĩnh kiếm việc làm thêm để có tiền trang trải chuyện học hành.

Càng lớn lên, Tiến càng nhận ra nhiều điều và cậu cũng hiểu được rằng chỉ có việc học mới giúp bản thân trưởng thành và có thể thay đổi số phận.

Tiến mong muốn trở thành một Luật sư

“Nhà em nghèo, nhưng em sẽ cố gắng học tập để sau này có thể giúp đỡ được bố mẹ và không bị ai khinh thường. Từ nhỏ em bị bạn bè chê bai nên rất tự ti, có lúc em không muốn đi học nữa, nghĩ lại thời gian đó em lại buồn”, Tiến tâm sự.

Những khó khăn ở hiện tại đã làm Tiến có động lực vươn lên hơn. Và khi biết thế mạnh của mình là các môn xã hội Tiến đã giành nhiều thời gian hơn để ôn luyện các môn học này. Những mốc lịch sử được Tiến phân chia ra dán chi chít ở góc học tập. Sau những buổi học thêm ở trường, Tiến dành thời gian khá nhiều cho việc tự học. Ban đêm Tiến thường học từ 20h-1h, lúc mệt mỏi em lại mang cây sáo ra thổi hoặc hát để xua tan những căng thẳng.

Tiến chia sẻ, khi biết mình đạt 25 điểm 3 môn em rất vui vì mục tiêu đặt ra cho chặng đường đầu tiên đã thành hiện thực, tuy nhiên về điểm 7 môn Văn em khá tiếc nuối.

“Em không nghĩ mình chỉ đạt điểm 7 môn Văn hôm công bố điểm em định làm đơn phúc khảo, nhưng sau đó em nghĩ lại rồi thôi. Nay đậu vào trường mình mơ ước em rất vui và hạnh phúc, nhưng cũng lo lắng vì 18/8 này nhập học rồi mà không biết nên học tiếp hay nghỉ vì cứ thấy bố mẹ chạy vạy vay tiền mà xót”, Tiến ngậm ngùi nói.

Ông Xin (bố Tiến) ngậm ngùi khi không biết lấy tiền đâu cho con nhập học

Đang thu dọn đống sắt vụn trước nhà, ông Nguyễn Văn Xin (SN 1975, bố Tiến) ngậm ngùi cho biết, đang rao bán căn nhà cấp 4 gia đình đang ở để lấy tiền cho Tiến theo đuổi giấc mơ giảng đường.

Ông Xin tâm sự, căn nhà này được hai vợ chồng ông tích góp xây dựng trên mảnh đất cha ông để lại. Cuộc sống khó khăn, nhưng hai vợ chồng ông luôn chắt chiu và cố gắng làm việc để cho con cái học hành.

“Tôi sống khổ rồi nên không muốn các con giống như tôi. Tôi đang rao bán căn nhà này để lấy tiền cho Tiến đi học, nhiều người biết cũng đến khuyên và cười chê vì đầu tư cho con học là dại. Bởi bao nhiêu người cầm bằng ra cũng không có việc nhưng tôi không nỡ bắt con phải bỏ học”, ông Xin ngậm ngùi nói.

Ông Xin đang rao bán căn nhà cho cậu con trai theo học Đại học

Ông Nguyễn Đình Nghệ, Chủ tịch UBND xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, dù gia cảnh khó khăn, bố bị dị tật, mẹ sức khỏe yếu nhưng em Tiến vẫn cố gắng vươn lên và đạt kết quả cao trong học tập.

Bố Tiến làm nghề thu mua và nhặt sắt vụn, còn mẹ làm ruộng, trước đây khó khăn nhất xã nhưng hai vợ chồng luôn chăm chỉ làm ăn nên giờ đỡ hơn trước.

“Trước đây còn có bà Nguyễn Thị Ả (chị gái của ông Xin) bị bại não ở trong nhà, nhưng hiện nay được đưa ra chăm sóc tại một trung tâm dành cho người khuyết tật ở Nghệ An. Tiến là cậu bé có nghị lực sống, chăm chỉ, biết cố gắng vươn lên trong học tập”, ông Nghệ cho hay.

Quỳnh Chi

Tin nổi bật