(ĐSPL) - Mỹ phẩm giả có chứa nhiều chất hóa học độc hại như Asen (thạch tín), chì, gây nguy hiểm cho chị em khi sử dụng.
Nát mặt vì mỹ phẩm giả
Tại khoa Khám bệnh của bệnh viện Da liễu Trung ương, các bác sỹ đã lưu giữ khá nhiều vỏ, hộp mỹ phẩm mà người bệnh đem đến, từ kem bôi trắng da, chữa nám, đến son môi. Các loại kem, mỹ phẩm này đều có nguồn gốc từ nước ngoài, nhưng theo nhận dạng ban đầu chỉ là hàng trôi nổi, nhập lậu, không có bất cứ nhãn mác tiếng Việt nào để người tiêu dùng phân biệt.
Không ít bệnh nhân đến khám tại bệnh viện phải đeo khẩu trang do mặt mũi sưng vù, đỏ ửng, ngứa. Hầu hết có chung một phác đồ điều trị bằng kháng sinh liều cao liên tục trong ít nhất một tuần kết hợp với thuốc bôi.
Hậu quả do mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc gây ra cho người sử dụng rất đa dạng: Nhẹ thì viêm nhiễm da, bít lỗ chân lông để lại mủ và sẹo; nặng hơn có thể gây rối loạn sắc tố da rất khó điều trị... Nguy hiểm nhất là ảnh hưởng đến người mang thai, có thể gây ra quái thai, hại gan, thận...
Bệnh nhân điều trị ở viện Da liễu. |
Tiếp xúc với PV, chị Vũ Hồng H., 29 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội đang điều trị tại bệnh viện chia sẻ: Do có thói quen mua hàng trên mạng nên trong dịp tết vừa rồi, chị đặt mua bộ mỹ phẩm bảy món của một hãng mỹ phẩm danh tiếng VP, nhưng sau khoảng gần hai tuần sử dụng thì da chị có dấu hiệu mẩn ngứa, ửng đỏ trên mặt. Gọi tới cửa hàng thắc mắc, chị được nhân viên ở đây trả lời qua loa là do da không hợp dẫn đến dị ứng.
Càng sử dụng các dấu hiệu của dị ứng như ngứa, rát, mẩn đỏ, mọc mụn... càng nặng. Sau khi đến thăm khám tại bệnh viện, chuyên khoa da liễu kết luận chị bị viêm da dị ứng biến chứng. Hiện tại chị đang được điều trị bằng kháng sinh mạnh, tuy nhiên theo các bác sỹ thời gian điều trị sẽ kéo dài và rất lâu bình phục.
Cũng chung hoàn cảnh như chị H., chị Nguyễn Thị Thắm, SV năm thứ 2, ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ trên Facebook: Cách đây 2 tháng, chị có mua tại sạp hàng chuyên kinh doanh mỹ phẩn ở chợ sinh viên một bộ son môi Thái Lan nhưng không biết cụ thể “hãng” nào sản xuất, thành phần ra sao với giá 100 nghìn đồng/thỏi. Chỉ sau vài lần sử dụng, môi chị có dấu hiệu sưng, ngứa rát tạo thành bọng nước... Đi khám tại khoa Da liễu, bệnh viện Hữu Nghị, các bác sỹ kết luận chị bị dị ứng do son môi.
Cũng theo giải thích từ các bác sỹ chuyên khoa da liễu tại bệnh viện này, son môi bao giờ cũng có hàm lượng hợp chất hóa học như Triclosan, Cadmium, chì, Paraben... dù ít hay nhiều thì các thành phần này đều gây độc cho cơ thể, ngay cả trong phạm vi cho phép. Nếu hàm lượng cao thì hậu quả xảy ra nhanh, còn hàm lượng thấp thì về lâu dài, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, do cơ địa của từng người mà có mức độ dị ứng khác nhau.
Chỉ là bề nổi của tảng băng chìm
Theo tìm hiểu của PV, mỹ phẩm đã được phân cấp quản lý theo từng lĩnh vực. Điều đáng nói mỹ phẩm nước ngoài sản xuất, nhập khẩu phải được cục Quản lý Dược (bộ Y tế) cấp phép, còn sản xuất trong nước đăng ký công bố ở sở Y tế địa phương.
Tuy nhiên, bất cập trong kiểm soát mỹ phẩm hiện nay là cá nhân, doanh nghiệp tự công bố sản phẩm rồi tự sản xuất mỹ phẩm trong khi theo luật, cơ quan quản lý không khảo sát, thẩm định về cơ sở sản xuất, thành phần cũng như trang thiết bị và năng lực đó được.
Lợi dụng sơ hở này, nhiều cá nhân, tổ chức làm ăn gian dối đã công bố thành phần sản phẩm mỹ phẩm một đằng nhưng rồi sản xuất một nẻo không đúng với nội dung đăng ký.
Cấm các sản phẩm mỹ phẩm nguồn gốc từ con người Theo thông tin từ cục Quản lý Dược, cho đến thời điểm hiện tại, Cục không cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm cho bất kỳ sản phẩm mỹ phẩm nào có chứa nhau thai và tế bào gốc có nguồn gốc từ con người. Ngày 12/3, cục Quản lý Dược, bộ Y tế ra văn bản cấm các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm sản xuất và kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm có thành phần nguồn gốc từ con người. Công văn nêu rõ, hiện nay có hiện tượng kinh doanh mỹ phẩm trên mạng internet, các sản phẩm được rao bán trên mạng rất đa dạng về chủng loại và xuất xứ. Bên cạnh các sản phẩm đã được cơ quản quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố thì cũng có nhiều sản phẩm được quảng cáo là hàng xách tay, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, cục Quản lý Dược khẳng định các thành phần có nguồn gốc từ con người thuộc danh mục các chất không được phép sử dụng trong mỹ phẩm. |
Từ nguồn tin riêng của PV có được, theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên trách trong lĩnh về sở hữu trí tuệ Việt Nam, hiện nay trên thị trường có đến hơn 50\% sản phẩm mỹ phẩm đang bị làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng.
Tại số liệu thống kê của chi cục Quản lý thị trường Hà Nội năm 2014, các đơn vị quản lý thị trường đã kiểm tra các nhà kho chứa hàng, các chợ cũng như các tuyến giao thông trọng điểm, kết quả đã phát hiện, xử lý 164,804 sản phẩm hóa mỹ phẩm nhập lậu, sản phẩm không rõ nguồn gốc. Với hình thức, mua nguyên liệu, vỏ hộp từ Lạng Sơn, Trung Quốc về tự sang chiết, đóng gói và tuồn ra thị trường tiêu thụ.
Cụ thể, tháng 1/2015, đội quản lý thị trường số 11 phối hợp với phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP.Hà Nội kiểm tra công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Thiên Kiều ở Hoàng Mai – Hà Nội phát hiện đơn vị này đang sản xuất mỹ phẩm giả. Các sản phẩm sữa tắm mang nhãn hiệu Snow White, Laurel không hề có công bố chất lượng, không có giấy phép sản xuất kinh doanh. Khi bị phát hiện, chủ cơ sở khai nhận đơn vị mua nguyên liệu về tự pha chế không theo một công thức, quy chuẩn nào cả.
Thực tế trên chỉ phản ánh “bề nổi” của tảng băng mỹ phẩm giả đang trôi trên thị trường. Một cán bộ công tác ở hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Hà Nội cho rằng có hàng loạt người tiêu dùng phản ánh đến Hiệp hội về sử dụng mỹ phẩm giả, nhái gây hậu quả nhưng “không thể làm gì được”. Lý do là hầu hết các mỹ phẩm loại này đều không ghi nhà sản xuất, nhãn mác thì thiếu thông tin hoặc xác định được thì là nhãn mác nhái... nên đành bó tay.
Hậu Giang