Sau khi kết thúc hành trình 5 năm cùng HLV Park Hang-seo, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã tìm được người kế nhiệm vị trí HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Đó cũng chính là người có thời gian gắn bó lâu năm với dải đất hình chứ S - ông Philippe Troussier.
Được biết, hợp đồng của VFF với HLV Troussier có thời hạn hơn 3 năm từ ngày 1/3/2023 đến 31/7/2026. Việc VFF ký hợp đồng dài hạn với chiến lược gia người Pháp là hướng tới mục tiêu tham dự World Cup 2026.
HLV Troussier sẽ dẫn dắt cả đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam. Dự kiến ngày 26/2, ông Troussier có mặt tại Việt Nam để công bố hợp đồng với VFF.
HLV Philippe Troussier sinh năm 1955 tại Paris, Pháp. Ông đến với bóng đá chuyên nghiệp khá muộn, ở độ tuổi 21 với vị trí hậu vệ. Ông khoác áo một số đội bóng tại Ligue 1 như Angouleme, Red Star 93, Rouen, Stade de Reims, trước khi treo giày ở tuổi 28 và chuyển sang công tác huấn luyện.
HLV Troussier sau đó ký hợp đồng với LĐBĐ Pháp, bản hợp đồng này biến ông trở thành một trong những nhân vật quan trọng nhất của INF Vichy (Học viện bóng đá quốc gia Vichy), trung tâm ra đời từ 1972 và trở thành nền tảng cho sự xuất hiện của học viện Clairefontaine năm 1988.
INF Vichy tham dự Division 3 (ngày nay là Championnat National - Giải hạng 3 Pháp), sân chơi không lên hay xuống hạng, chủ yếu là nơi cho các cầu thủ trẻ phát triển tài năng, tích lũy kinh nghiệm. Troussier ghi dấu ấn khi giúp INF xếp thứ hai trong nhóm đấu của mình ở mùa giải 1983-1984.
Thành tích ấy giúp ông được rất nhiều chuyên gia bóng đá Pháp khen ngợi. Trên thực tế, Troussier góp phần kiến tạo cơ sở bóng đá hiện đại để vài năm sau học viện Clairefontaine kế thừa và phát triển lên đỉnh cao.
Clairefontaine là cái nôi của nhiều ngôi sao đội tuyển Pháp như Nicolas Anelka, William Gallas, Thierry Henry, Louis Saha, Christopher Nkunku, Kylian Mbappe... Chức vô địch World Cup 2018 và á quân Qatar 2022 có dấu ấn lớn từ học viện.
Là một người thích phiêu lưu và khám phá, HLV Troussier mang theo tư duy bóng đá hiện đại của mình ra khỏi nước Pháp để đến với những vùng đất xa xôi như châu Phi và châu Á.
Bến đỗ đầu tiên của "con thuyền" Troussier là đất nước Bờ Biển Nga vào năm 1989, với bản hợp đồng dẫn dắt CLB ASEC Mimosas, đội bóng khi đó đang trải qua chuỗi 9 năm liên tiếp trắng tay.
Ngay lập tức, nhà cầm quan người Pháp giúp ASEC Mimosas lột xác và thống trị giải vô địch Bờ Biển Ngà với 3 năm vô địch liên tiếp (1990, 1991, 1992). Chiến tích đó giúp ông Troussier được trao quốc tịch Bờ Biển Ngà và dẫn đội tuyển quốc gia nước này. Trong khi đó, với nền tảng mà ông để lại, ASEC đăng quang thêm 2 mùa nữa. Tuy nhiên, ông Troussier đã thất bại trong nhiệm vụ đưa Bờ Biển Nga tham dự World Cup 1994 và rời chiếc ghê HLV trưởng đội tuyển.
Cuộc phiêu lưu của Troussier chuyển hướng đến Nam Phi và Maroc, trước khi trở thành HLV trưởng đội tuyển Nigeria vào năm 1997 và giúp đội bóng có biệt danh "Đại bàng xanh" giành vé tham dự World Cup 1998. Dù vậy, ông vẫn bị LĐBĐ Nigeria sa thải.
Nhà cầm quân được mệnh danh là "Phù thủy trắng" sau đó nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của LĐBĐ Nam Phi và cùng đội tuyển nước này tham dự World Cup 1998. Ngay trong lần đầu tiên tham dự một kỳ chung kết thế giới, ông giúp Nam Phi giành được 2 điểm, xếp thứ 3 bảng đấu có chủ nhà Pháp, Đan Mạch và Ả Rập Xê Út.
Rời Lục địa Đen, HLV Troussier đến châu Á và gặt hái được thành công lớn tại Nhật Bản. Ông đưa Những chiến binh Samurai xanh giành ngôi á quân của World Cup U20 thế giới tổ chức năm 2000 và cùng đội tuyển quốc gia Nhật Bản vô địch châu Á cùng năm. Năm 2002, tại kỳ World Cup tổ chức trên sân nhà, Nhật Bản dưới sự dẫn dắt của ông Troussier cũng lọt vào tới vòng 16 đội.
Năm 2018, HLV Philippe Troussier bén duyên với bóng đá trẻ Việt Nam với vai trò giám đốc kỹ thuật PVF. Chỉ một năm sau, ông được VFF bổ nhiệm làm HLV trưởng đội tuyển U18 và U19 Việt Nam. Ngày 31/5/2021, hợp đồng của chiến lược gia người Pháp với VFF chính thức đáo hạn và không có thêm thỏa thuận mới. Theo nhiều nguồn tin, HLV Troussier quyết định chia tay bóng đá Việt Nam vì lý do sức khỏe.
Chủ tịch LĐBĐ Nhật Bản Kozo Tashima, điểm nổi bật trong triết lý của ông Troussier là sự chặt chẽ. "Từ mà Troussier luôn dùng khi chuẩn bị cho đội bóng trước trận đấu là chặt chẽ. Với Nhật Bản, nguyên tắc này là cốt yếu, bởi chúng tôi thường không có thể lực tốt như đối thủ", ông Tashima nói.
Theo ông Tashima, triết lý của HLV Troussier yêu cầu tuyến đội hình cần thi đấu gần nhau, về cả chiều dài lẫn chiều ngang. Chẳng hạn cự ly giữa tiền đạo chơi cao nhất và hậu vệ đá thấp nhất trong đội chỉ là 30m. Toàn đội sẽ di chuyển cùng nhau theo một khối ở mọi khu vực trên sân.
Một trong những điểm yếu của triết lý này là khoảng trống lớn ở phía sau hàng thủ, mỗi khi tuyến trên dâng cao gây áp lực. Để khắc phụ điểm yếu này, ông Troussier sử dụng "nguyên lý 3m", yêu cầu trung vệ phải lùi về sau khoảng 3m khi đối thủ có ý định chuyền vượt tuyến. Nếu đối thủ không chuyền, hàng thủ lại ngay lập tức đẩy lên để duy trì tính chặt chẽ.
Đội bóng của Troussier không chỉ chơi chặt trong phòng ngự, mà cả khi tấn công. Chẳng hạn khi một cầu thủ rời khỏi vị trí để chạy chỗ, người bên cạnh phải trám lấy khoảng trống. Một cầu thủ khác lại trám vào vị trí người này bỏ lại. "Troussier giúp các cầu thủ hình thành thói quen hoán đổi vị trí, để thực hiện điều này một cách tự động", ông Tashima nói thêm.
Theo Vnexpress, sơ đồ chiến thuật của HLV Troussier cơ bản không khác nhiều Park Hang-seo, với hệ thống đội hình 3-4-3. Tuy nhiên, HLV người Pháp muốn đội bóng chơi chủ động hơn, chấp nhận rủi ro cao hơn.
Bên cạnh sự chặt chẽ trong đội hình, vị HLV người Pháp đề cao nhân sự cốt lõi mà ông muốn có trong một tập thể. Trong giai đoạn thành công cùng bóng đá Nhật Bản, ông Troussier nhắc đến hai lão tướng Masashi Nakayama cũng như Kazu Miura với vai trò "gìn giữ khát khao cống hiến, truyền thống của đội tuyển và những giá trị quan trọng bên ngoài sân".
Tiếp đến ông chọn Hidetoshi Nakata, Shunsuke Nakamura - những cầu thủ thi đấu nổi bật ở châu Âu trước đó như một tấm gương truyền cảm hứng "tiềm năng của cầu thủ Nhật Bản" cho các đàn em.
Sau cùng là Tsuneyasu Miyamoto, trung vệ cao 1,76m mà ông khẳng định: "Không HLV nào chọn cậu ấy cho một trận đấu đỉnh cao nếu nhìn vào các tiêu chí chiều cao, sự dũng mãnh hay sức mạnh tranh chấp.Tuy nhiên, Miyamoto là thủ lĩnh của sơ đồ 3 trung vệ, thông minh, hiểu rõ ý đồ hệ thống chiến thuật và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu".
Theo Tuổi trẻ, HLV Troussier từng thẳng thừng chỉ ra cầu thủ Nhật Bản "không được dạy cách chơi tiểu xảo" để mang lại lợi ích cho tập thể. Tất nhiên ông không cổ xúy lối đá bạo lực, điều cần nhất ở các cầu thủ là "cá tính, khát khao chiến thắng để không ngán bất cứ đối thủ nào".
Trong lần trở lại này với dải đất hình chữ S, HLV Troussier mong muốn có thêm đóng góp cho bóng đá Việt Nam, trong bối cảnh kế hoạch giữa ông và đội U19 Việt Nam bị dang dở do ảnh hưởng của dịch COVID-19 vài năm về trước.
Với lợi thế hiểu biết nền bóng đá Việt Nam và những thành tích trong quá khứ, HLV Philippe Troussier được xem là sự lựa chọn hoàn hảo để thay thế HLV Park Hang-seo.
DOISONGPHAPLUAT.COM |