Theo báo VTC News, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18) đã tạm dừng các tour du lịch ngắm cảnh bằng trực thăng, ngay sau khi xảy ra sự cố rơi trực thăng Bell-505 ở Vịnh Hạ Long ngày 5/4 khiến 5 người tử vong.
Được biết, ngoài tour ngắm Vịnh Hạ Long, các tour ngắm cảnh bằng trực thăng ở Đà Nẵng, Điện Biên, Mai Châu (Hòa Bình), mùa vàng Mù Cang Chải (Yên Bái), Vũng Tàu - Côn Đảo cũng tạm dừng chờ thông báo mới.
Máy bay trực thăng bay ngắm cảnh vịnh Hạ Long.
Nguồn tin cho hay, tour du lịch trực thăng ngắm Vịnh Hạ Long được các đơn vị du lịch lữ hành rao bán với 3 mức giá cơ bản theo thời gian bay và vị trí ngồi khác nhau. Trong đó, mức giá thấp nhất là 1,9 triệu đồng/người cho 3 vị trí ghế sau, thời gian bay 10 phút và 2,2 triệu đồng/người cho vị trí ngồi cạnh phi công. Lịch trình cho chuyến bay 10 phút gồm xuất phát từ bãi đỗ trực thăng Tuần Châu - Động Thiên Cung - Hòn Đỉnh Hương - Hòn Gà Chọi - Hòn Vạn Bội - Đảo Titop - Hòn Chân Voi rồi quay trở lại bãi đỗ.
Tiếp đó, là lịch trình bay 15 phút xuất phát từ bãi đỗ trực thăng Tuần Châu - Động Thiên Cung - Hòn Trống Mái - Hang Sửng Sốt - Đảo Titop - Vòng quay mặt trời - Cầu Bãi Cháy - Ngọn Hải Đăng - Bãi biển Bãi Cháy - Đảo Rều có giá 3,2 triệu đồng/người cho vị trí ghế ngồi cạnh phi công và 2,9 triệu đồng/người cho 3 vị trí ghế sau.
Cuối cùng với tour du lịch trực thăng ngắm Vịnh Hạ Long trong 30 phút có giá cao nhất lên tới 6,1 triệu đồng/người cho ghế ngồi cạnh phi công và 5,8 triệu đồng/người cho 3 vị trí ghế ngồi sau. Theo các công ty du lịch, mức giá trên đã bao gồm thuế VAT và bảo hiểm hành khách lên đến 30 triệu USD/sự vụ.
Báo Vietnamnet đưa tin, máy bay sử dụng phục vụ tour du lịch ngắm Vịnh Hạ Long là mẫu trực thăng Bell 505 được Công ty Trực thăng Miền Bắc thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ. Đây là dòng trực thăng hạng nhẹ, 4 chỗ ngồi, do hãng Bell Helicopters sản xuất; chuyên dụng để bay du lịch, ngắm cảnh.
Hoàng Yên (T/h)