The Guardian đưa tin ngày 19/9 (giờ địa phương) cho biết, chính quyền Taliban đã trả tự do cho một kỹ sư người Mỹ để đổi lấy một thủ lĩnh bộ tộc Afghanistan từng bị Mỹ bắt giữ vì tội buôn bán ma tuý từ năm 2005.
Kỹ sư người Mỹ Mark Frerichs đã được trao đổi tại sân bay Kabul (Afghanistan) cho Bashir Noorzai, một chỉ huy chiến trường khét tiếng của Taliban. Noorzai bị Mỹ bắt giữ vì cáo buộc buôn lậu heroin trị giá hơn 50 triệu USD vào Mỹ và châu Âu.
“Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan sẵn sàng giải quyết các vấn đề bằng cách đàm phán với tất cả mọi người, kể cả Mỹ”, ngoại trưởng Taliban, Amir Khan Muttaqi, nói trong một cuộc họp báo ở thủ đô của Afghanistan.
Mark Frerichs, một kỹ sư đến từ Illinois, bị bắt cóc ở Afghanistan vào tháng 2/2020. Ảnh: AP.
Bashir Noorzai bị bắt vì cáo buộc buôn lậu heroin trị giá hơn 50 triệu USD vào Mỹ và châu Âu. Ảnh: AP.
Frerichs là một kỹ sư và cựu chiến binh hải quân Mỹ đến từ Lombard, bang Illinois, người đã làm việc ở Afghanistan trong một thập kỷ về các dự án phát triển. Anh đã bị bắt cóc vào tháng 2/2020.
Theo The Guardian, Mỹ không có đại diện chính thức ở Afghanistan. Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận việc trao đổi này, nói rằng ông chủ Nhà Trắng đã ban sự khoan hồng cho Noorzai sau khi anh bị chính phủ Mỹ quản thúc 17 năm.
Washington đã thúc giục việc thả kỹ sư Frerichs, kể cả sau thời điểm Taliban chiếm Afghanistan vào tháng 8/2021, khi các lực lượng nước ngoài do Mỹ dẫn đầu đang rút lui.
Các quan chức Mỹ cho biết trường hợp của Frerichs sẽ ảnh hưởng đến quan điểm của họ về tính hợp pháp của một chính phủ do Taliban lãnh đạo.
Cuộc trao đổi tù nhân này là một trong những động thái giao thiệp hiếm hoi giữa Mỹ và Afghanistan kể từ khi những binh sĩ cuối cùng của Washington D.C đã rời khỏi Kabul vào ngày 30/8/2021.
Một năm sau ngày Taliban giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn Afghanistan, quốc gia Tây Nam Á này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng và nạn đói được đánh giá là có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn so với 20 năm chiến tranh đã qua.
Bích Thảo (Theo The Guardian)