Cố đi nốt đèn xanh, gây tai nạn chết người
Cơ quan CSĐT Công an thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Cao Quốc Phát (SN 1966, trú tại 111/4, đường Hoàng Hoa Thám, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu), là tài xế hãng xe Hoa Mai gây tai nạn giao thông trên quốc lộ 51.
Theo đó, tài xế Phát bị khởi tố và bắt tạm giam do Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, quy định tại khoản 1, điều 260 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Theo điều tra ban đầu, vào sáng 22/6, Cao Quốc Phát là tài xế xe khách của Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ Du lịch Hoa Mai điều khiển xe mang biển kiểm soát 72B-024.04 lưu thông theo hướng từ Bà Rịa-Vũng Tàu đi TP.HCM.
Khi đến Km38+200, quốc lộ 51 (đoạn ngã 3 đèn tín hiệu giao thông nối quốc lộ 51 với Khu công nghiệp Mỹ Xuân A) thuộc địa bàn tổ 1, khu phố Phước Hưng, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ thì đầu xe bên trái ô tô khách va chạm với đuôi xe máy hiệu Vision mang biển kiểm soát 72E1-729.20 do chị Lê Thị Phượng (SN 1986, trú tại phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ) điều khiển chở theo cháu Phạm Thị Thanh Mai (SN 2005, trú tại phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ) ngồi giữa và chị Nguyễn Thị Chuột (SN 1988, trú tại huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) ngồi sau đang dừng xe giữa giao lộ chờ qua đường.
Ông Cao Quốc Phát nghe công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 3 tháng. (Ảnh: Tiền phong)
Hậu quả làm chị Chuột tử vong tại hiện trường, cháu Mai và chị Phượng bị thương. Ngay sau đó, xe của Phát tiếp tục đâm trúng một xe gắn máy khác, trên xe máy này có 2 người nam thanh niên.
Tài xế Phát khai nhận, điều khiển xe sát dải phân cách cứng chia 2 làn đường riêng biệt; lúc này trụ đèn điều khiển giao thông đang báo hiệu còn 4 giây đèn xanh nên Phát cho xe tăng tốc để vượt qua khỏi giao lộ với tốc độ 87 km/h thì gây tai nạn.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về hãng xe
Với việc làm 3 người thương vong, lái xe Phát đối diện tình tiết định khung nào? Nhà xe Hoa Mai có phải liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp này không?
Trao đổi với PV ĐS&PL, Luật sư Vũ Quang Bá – Công ty Luật TNHH AB & Partners, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 601, Bộ luật dân sự 2015, ô tô được xem là nguồn nguy hiểm cao độ.
Theo quy định hiện nay về việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Trường hợp, chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường.
Tuy nhiên, do hãng xe khách Hoa Mai là một pháp nhân, nên dù hãng xe Hoa Mai có giao xe cho tài xế để chiếm hữu, sử dụng, lỗi dẫn đến vụ tai nạn hoàn toàn do tài xế thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn thuộc về hãng xe, trừ trường hợp tài xế được giao xe và thời điểm gây tai nạn tài xế không thực hiện công việc, nhiệm vụ được hãng xe Hoa Mai giao. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 597, Bộ luật Dân sự 2015 có quy định rõ về việc bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra.
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm. (Ảnh: Zing)
Theo đó, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
"Do đó, trong trường hợp này người bị hại/gia đình bị hại có quyền yêu cầu hãng xe Hoa Mai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi gây tai nạn giao thông của tài xế của hãng xe Hoa Mai. Đồng thời, hãng xe cũng có quyền yêu cầu tài xế có nghĩa vụ hoàn trả khoản tiền mà hãng xe đã bồi thường cho người bị hại", luật sư Bá cho hay.
Vấn đề bồi thường thiệt hại, các bên có quyền tự thỏa thuận về mức và phương thức bồi thường. Trường hợp các bên không thỏa thuận được, việc bồi thường thiệt hại sẽ được xem xét, giải quyết trong quá trình cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án hình sự.
Việt Hương