Từ khi sinh ra, chúng ta đã chấp nhận đất có màu nâu như một quy luật tự nhiên. Thế nhưng thứ màu này từ đâu ra? Chính là từ các loài cây xanh, một nghiên cứu mới tiết lộ.
Đất có màu nâu vì nhiều yếu tố - Ảnh: Minh họa |
Theo ScienceABC, đa số đất có màu nâu (dù không phải là tất cả) bởi vì cacbon do các vi sinh vật để lại.
Những vi khuẩn tí hon trên trái đất đã cắn nát những tàn thực vật này bằng các enzyme chuyên dụng (có tác dụng bẻ gẫy các liên kết trong lá, thân cây) để tạo ra những miếng mồi ngon phù hợp với kích cỡ của chúng. Các vi sinh vật háu đói xử lý một lượng lớn carbon trong đất, thậm chí thu nạp vài loại nguyên tố vào trong tế bào của mình.
Song vi khuẩn không thể thực hiện trọn vẹn công việc. "Chúng chẳng phải là những cái máy nghiền hiệu quả trăm phần trăm", Steven Allison, một nhà sinh thái học tại Đại học Irvine, California, nói.
Có những mảnh carbon không bị vi khuẩn đánh chén và có carbon trong cơ thể của chính chúng. Sau đó, khi những vi sinh vật chết đi, xác của chúng với đầy cacbon sẽ chất chồng trên mặt đất. Phần lớn cacbon sẽ được trả lại vào khí quyển hình thành khí cacbonic, phần còn lại nằm trên mặt đất ở giai đoạn cuối cùng trong chu kỳ cacbon.
Chính vì thế, đất ở những nơi có động vật, côn trùng, vi sinh vật và các thảm thực vật thường chứa hàm lượng cacbon cao. Cụ thể hơn, đó là các chuỗi cacbon, còn gọi là hợp chất humic được tìm thấy với nồng độ cao trong các loại đất dạng này. Tương tự như màu sắc của bất kỳ đối tượng nào bạn nhìn thấy, màu sắc của đất phụ thuộc vào những gì mà các bước sóng của ánh sáng hấp thụ hoặc phản xạ trên đối tượng đó. Các chuỗi cacbon có xu hướng hấp thụ hầu hết các màu trong quang phổ ánh sáng, chỉ phản chiếu lại một màu nâu xỉn đến mắt của chúng ta.
Tuy nhiên, không phải đất đai trên khắp trái đất đều có màu nâu. Màu của đất phụ thuộc vào thành phần khoáng chất và hỗn hợp protein trong loại đất bạn đang quan sát. Ví dụ, nếu đất có màu đỏ và hơi vàng chứng tỏ khu vực đó chứa nhiều các oxit sắt và ít chất hữu cơ hơn, chẳng hạn như trong sa mạc và những nơi có khí hậu khô cằn.
Nếu đất chứa nhiều nước, có nghĩa là sẽ có ít không khí, do đó không có cơ hội cho quá trình oxy hóa, loại bỏ cơ hội cho sắc đỏ xuất hiện trong đất. Tuy nhiên, nếu nước xuất hiện trong một thời gian dài, đất sẽ bị biến đổi thành một màu xám bạc.
Quỳnh Chi (T/h)