Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tai nạn giao thông- Ám ảnh một đời và nỗi đau gia đình không trọn vẹn

(DS&PL) -

Một giây va chạm trên đường cũng có thể cướp đi thanh xuân, ước mơ, hoài bão và cả tương lai phía trước của những nạn nhân xấu số.

"Nhanh một phút, chậm một đời". Một giây va chạm trên đường cũng có thể cướp đi thanh xuân, ước mơ, hoài bão và cả tương lai phía trước của những nạn nhân xấu số. Hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) dù đã xảy ra nhiều năm nhưng nỗi đau vẫn còn hằn sâu trong ký ức của các nạn nhân và người thân của họ.

Mặn đắng giọt nước mắt sau lưng con gái

"Mỗi lần nhìn thấy con tập tễnh bước đi, lòng tôi như thắt lại. Đau xót lắm nhưng chẳng dám rơi nước mắt trước mặt con, vì sợ con tủi thân, tôi dặn lòng phải mạnh mẽ. Nhìn theo bóng lưng con gái, nước mắt cứ chực trào...", ông Trần Văn Quân nghẹn ngào khi nhắc đến con gái, nạn nhân trong vụ tai nạn thương tâm hồi tháng 12/2018.

Còn nhớ, hồi 23h30 ngày 07/12/2018, trên đường đi làm thêm về, nữ sinh Trần Lê Minh Trang (SN 1999, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) đã bị chiếc xe Ranger Rover BKS 30A - 279.99 vượt đèn đỏ tông trúng tại ngã tư Bà Triệu - Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Vụ tai nạn xảy ra đã khiến nữ sinh nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, giập não, gãy đùi trái, giập đùi phải.

Ông Trần Văn Quân vẫn luôn đau đáu những câu hỏi trong vụ TNGT của con gái.

Nhớ lại câu chuyện đau lòng của con gái, ông Quân buồn bã kể: "Vụ tai nạn đã xảy ra 6 tháng, kết luận của cơ quan điều tra là không khởi tố vụ án vì kết quả giám định thương tật của Trang dưới 61%".
Tiếp nối câu chuyện, ông kể: "Từ khi vụ tai nạn xảy ra, phải mất hơn 2 tuần, Công an quận Hai Bà Trưng mới tìm ra thủ phạm thực sự gây ra chấn thương cho con gái tôi.

Mới đầu, đối tượng Nguyễn Mạnh Hồng (SN 1990, Tuyên Quang) nhận là người gây ra tai nạn, nhưng bản thân tôi không tin. Sau đó, Công an quận Hai Bà Trưng xác định Phạm Thế Duy (SN 1980, Quảng Ninh) mới là người trực tiếp điều khiển chiếc xe gây tai nạn cho con gái tôi. Qua đấu tranh, Duy đã thừa nhận toàn bộ hành vi".

Dù có nhiều tình tiết tăng nặng nhưng cơ quan chức năng căn cứ vào yếu tố xác định thương tật của nạn nhân phải trên 61% mới khởi tố vụ án hình sự. Ông Quân cho rằng điều đó là chưa khách quan và đã gửi đơn kiến nghị hai lần đến cơ quan Công an và VKSND quận Hai Bà Trưng đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

"Thứ nhất là đối tượng Phạm Thế Duy đã vượt đèn đỏ, thứ hai là gây tai nạn rồi bỏ chạy không cứu giúp người bị nạn, thứ ba là cố tình lẩn trốn và cuối cùng là dùng người "thế thân" hòng thoát tội", ông Quân chỉ ra.

Trước thông báo của cơ quan điều tra, ông Quân băn khoăn tự hỏi: Tiến trình điều tra, xử lý vụ việc được cơ quan CSĐT Công an quận Hai Bà Trưng thực hiện như thế nào? Lái xe Phạm Thế Duy là ai, có nhân thân ra sao? Thời điểm gây ra tai nạn, lái xe có sử dụng chất kích thích không? Các vấn đề pháp lý về giấy phép lái xe của người gây tai nạn, chủ sở hữu phương tiện gây tai nạn, tình tiết, diễn biến vụ tai nạn diễn ra thế nào? Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, những băn khoăn đó đều không được giải đáp.

Trao đổi với PV, ông Quân giải thích: "Dù đã có công văn của Văn phòng Chính phủ gửi Công an TP.Hà Nội yêu cầu xem xét, giải quyết nhưng việc điều tra vụ TNGT này lại có những điều kỳ lạ đến khó hiểu...".

Nghe thấy một tiếng động bên phòng con gái, ông Quân vội vã chạy qua kiểm tra. Vài phút sau, ông quay lại, thở phào rồi nói: "Tôi cứ sợ con không may va chạm vào đâu, con vừa bỏ nạng được 1 tháng, cái chân bên trái vẫn còn đinh cố định xương nên đi lại vẫn còn khó khăn, đau nhức.

Sau một vụ tai nạn nghiêm trọng, con gái tôi vẫn giữ được tính mạng là cả một sự thần kỳ. Đến giờ, tôi vẫn luôn mang ơn sâu sắc những y, bác sĩ đã nỗ lực tận tâm trong suốt quá trình phẫu thuật cho con tôi. Thời kỳ chăm con gái trên giường bệnh là lúc khó khăn nhất đối với tôi...".

Trước khi bị tai nạn, Trang đang là sinh viên năm 2 khoa Ngôn ngữ Anh, đại học Mở Hà Nội. Trang cũng đang học thêm tiếng Nhật và làm thêm tại một cửa hàng bánh của người Nhật để trau dồi ngoại ngữ. Chỉ vì một cú nhấn ga vượt đèn đỏ của tài xế mà Trang đã phải bỏ lỡ việc học hơn một năm.

Mặc dù biết Trang nhớ trường, nhớ lớp nhưng ông Quân vẫn chưa an tâm cho con đi học lại. "Tôi ân hận vì đã mua xe máy cho con, mới khiến con gặp tai nạn. Giờ mà để con tiếp tục đi học thì đi bằng phương tiện gì? Xe buýt thì quá đông, lỡ chân con lại va vào đâu thì nguy lắm! Còn taxi thì tôi chẳng đủ tiền cho con đi học cả năm...", ông Quân nói.

Đã 6 tháng kể từ khi gặp tai nạn, mỗi khi gặp người ngoài, Trang đều dùng tay vuốt mái tóc dài để khéo léo che đi vết sẹo lớn trên đầu. Có những ngày, Trang chỉ được ăn cháo loãng, thỉnh thoảng đầu lên cơn đau khiến ông Quân lo ngại vô cùng.

Ông Quân thở dài thốt lên: "Vì sao một kẻ đã gây tại nạn rồi bỏ trốn lại không bị pháp luật trừng trị chỉ vì kết quả giám định thương tật của con gái tôi chưa đủ 61%?".

Đứa trẻ 3 tuổi trong thân xác 43

Dù vụ tai nạn đã xảy ra hơn 15 năm, nhưng nỗi đau vẫn đeo bám cả gia đình anh Tuấn Anh SN 1976, Bà Rịa - Vũng Tàu) không một phút nguôi ngoai.

Từng là một thợ mộc lành nghề, chỉ vì TNGT mà anh Tuấn Anh đã mất tất cả. Đó là một ngày cuối năm 2004, trên đường đi lắp cửa cho một gia đình, bất ngờ một chiếc ô tô lao đến với tốc độ cao, đâm trực diện vào xe anh. Cú đâm đã khiến anh Tuấn Anh phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương và người gây tai nạn đã ngay lập tức bỏ trốn khỏi hiện trường.

Sau nhiều ca phẫu thuật để giữ lại sự sống, anh Tuấn Anh rơi vào tình trạng sống "thực vật" suốt 6 tháng trong bệnh viện.

Ông Vũ Ngọc San, bố anh Tuấn Anh vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên con trai tỉnh dậy sau giấc ngủ kéo dài hơn 6 tháng: "Sáng hôm đó, khi đôi mắt của con tôi khẽ mở, tôi liền chạy đến bên giường bệnh, nắm chặt tay con, ngỡ rằng may mắn đã mỉm cười với gia đình. Nhưng đau đớn thay, đôi mắt ấy chỉ nhìn tôi xa lạ và e dè như một đứa trẻ...".

Ngót 15 năm qua, anh Tuấn Anh vẫn sống như một đứa trẻ 3 tuổi. Mọi sinh hoạt cá nhân đều do bố mẹ chăm sóc. Chàng trai khỏe mạnh, vạm vỡ ngày nào bỗng trở nên ngây ngô, lạ lẫm với cả người thân, với ngôi nhà mà anh từng gắn bó.

Ông San đã phải cùng vợ chạy vạy khắp nơi để chữa trị và bồi bổ cho con trai, từng ngày dạy con tập nói, tập đi, tập làm quen lại với chính những người thân của mình.

"Chỉ cần chứng kiến sự tiến triển của con mỗi ngày, cũng đủ làm tôi hạnh phúc. Ngày con trai cất tiếng gọi được một tiếng "Bố" rành rọt, tôi ứa nước mắt. TNGT đã cướp đi tương lai của con trai tôi, cướp đi chỗ dựa tinh thần của cả gia đình tôi", ông San nghẹn ngào kể lại.

Đã 15 năm trôi qua, anh Tuấn Anh hiện nay vẫn chỉ là một đứa trẻ 3 tuổi trong thân xác vạm vỡ của một người đàn ông 43 tuổi, cái tuổi mà đáng lẽ người ta đã yên bề gia thất, công việc ổn định, trở thành trụ cột của gia đình, thì nay, lại trở thành mối quan tâm và lo lắng hàng đầu của cha mẹ già.

TNGT không chỉ cướp đi một năm tri thức của nữ sinh đại học, cướp đi tương lai của một người đàn ông khỏe mạnh mà còn cướp đi biết bao sinh mạng, biết bao hoài bão, thanh xuân của hàng trăm, hàng nghìn người. Bao nhiêu vụ TNGT là bấy nhiêu nỗi đau dai dẳng vẫn còn đeo bám những gia đình nạn nhân.

CẨM MỊCH - THU HUYỀN

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 86

Tin nổi bật