Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tai biến y khoa hay tai biến ... y đức?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Lời xin lỗi vì không thực hiện được sứ mạng của người thầy thuốc phải chăng là một loại “tai biến… y đức” mà ngành y tế Việt Nam chưa có thuốc đặc trị?

(ĐSPL) - Thời gian gần đây, hàng loạt "sự cố" xảy ra trong lĩnh vực y tế với những cái chết tức tưởi của trẻ sơ sinh, sản phụ, bệnh nhân khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ và đặt câu hỏi, phải chăng tai biến y khoa như lời nữ Bộ trưởng Y tế đã tuyên bố, xuất phát từ nguyên nhân sâu xa do tai biến... y đức?

Ngày 2/4, bé Khuất Tiến Minh (Kỳ Sơn, Hòa Bình), bệnh nhi 18 ngày tuổi bị hoại tử cánh tay sau khi tiêm phòng lao đã tử vong sau 20 ngày được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Nguyên nhân cái chết của bé Minh có phải là do tiêm phòng lao hay không vẫn đang là một “nghi án”. Cũng ngày 2/4, sản phụ Phí Thị Thúy (Kim Thành, Hải Dương) đã tử vong sau một đêm vật vã sinh con.

Một sự trùng hợp! Hai vụ “tai biến” trên đây, cùng với nhiều vụ “tai biến” khác nữa, trở thành lời khẳng định “đanh thép” cho tuyên bố của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 1/4 rằng: còn khám, chữa bệnh thì còn tai biến y khoa.

Bộ trưởng Y tế: "Còn khám, chữa bệnh thì còn tai biến y khoa".

“Của đau con xót”, cha mẹ bé Khuất Tiến Minh có quyền nghi ngờ rằng, bé tử vong là do tiêm phòng lao. Không nghi ngờ sao được khi mà con trai của họ chào đời hoàn toàn khỏe mạnh, cân nặng lúc mới sinh tới 4,2 kg lại tím tái, thâm đen cánh tay như bị bỏng và có dấu hiệu hoại tử chỉ sau 4 ngày được tiêm vắc - xin phòng lao tại trạm y tế xã. Và sau 20 ngày, từ lúc được tiêm liều vắc-xin BCG định mệnh ấy, bé Minh đã ra đi, cha mẹ bé chưa kịp nhìn mặt bé lần cuối.

Một lời bào chữa khả tín, và cũng rất hợp với nghiệp vụ y khoa! Chị cán bộ y tế xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn, Hòa Bình) Nguyễn Thị Hương nói rằng, chị là y tá, đã chuyên tiêm phòng cho trẻ sơ sinh 15 năm nay. Hôm tiêm vắc-xin phòng lao, rất đông trẻ sơ sinh được tiêm và cháu nào cũng được sơ khám trước khi tiêm. Vậy thì rõ ràng chị y tá Hương đã làm… “đúng quy trình”. Lời phản biện của chị Nguyễn Thị Sen, mẹ bé Minh cho rằng, cháu chỉ được hỏi “có sốt không?” trước khi tiêm dường như trở nên yếu ớt.

Nguyên nhân bé Khuất Tiến Minh ra đi vẫn còn là một... nghi án.

Cũng vậy, “máu chảy ruột mềm”, gia đình sản phụ đã tử vong Phí Thị Thúy không thể không nghi ngờ việc người thân của mình ra đi là do sự tắc trách của bác sĩ bệnh viện Kim Thành. (Hải Dương). Anh Phí Mạnh Hùng, anh trai của sản phụ Thúy cho biết: quãng thời gian từ khi anh thông báo về những dấu hiệu bất thường của em gái mình đến khi bác sĩ Hà Quang Lâm, Trưởng khoa Sản, Phó giám đốc bệnh viện Kim Thành đến chỉ định cho chị Thúy đẻ thường, là 2 tiếng đồng hồ. Quãng thời gian ấy, đối với một vị bác sĩ nhiều kinh nghiệm về Sản khoa có thể là bình thường. Nhưng với gia đình sản phụ thật là kinh khủng và nhất là với những tai biến không lường hết được của y khoa, quãng thời gian 2 tiếng ấy đủ để cho tình trạng xấu nhất có thể xảy ra. Điều đáng nói hơn, ngay sau đó, cũng chính vị Trưởng khoa Sản, Phó giám đốc bệnh viện này lại chỉ định phải cho chị Thúy đẻ mổ. Vì sao gia đình chị Phí Thị Thúy không được thông báo về điều này?

Dù sao đi nữa, nguyên nhân dẫn đến những “tai biến y khoa” vẫn còn phải chờ kết luận công tâm, chính xác từ những Hội đồng khoa học, chuyên môn. Xong có điều chắc chắn là, bé Khuất Tiến Minh đã ra đi, chị Phí Thị Thúy cũng chẳng còn hiện diện trên cõi nhân sinh đầy biến động này nữa, và nỗi đau đớn sẽ còn đeo đẳng lâu dài, thậm chí có thể đến mức ám ảnh trong lòng người thân của nạn nhân xấu số này. 

Sản phụ Phí Thị Thúy đã không còn hiện diện trên cõi đời.

Nhưng, điều khiến công luận trăn trở, băn khoăn, và thậm chí là bức xúc ở đây là: sau những vụ việc đau lòng, sau những “tai biến y khoa” mà báo chí phanh phui, không có, hoặc rất hiếm thấy các bác sĩ trực tiếp điều trị, hoặc các bác sĩ có trách nhiệm, hoặc các quan chức ngành y tế… đứng ra nhận trách nhiệm, hoặc một phần trách nhiệm, ít ra là trước gia đình những người xấu số. Chị cán bộ y tế Nguyễn Thị Hương cho rằng mình đã có kinh nghiệm 15 năm tiêm phòng, chị làm đúng quy trình. Bác sĩ Nguyễn Quý Phùng, Phó giám đốc bệnh viện Kim Thành nói, bệnh viện đã làm hết sức mình, chỉ tiếc là không cứu được chị Thúy vì không ngờ mọi việc lại diễn ra không như chẩn đoán ban đầu, khiến chị Thúy tử vong.

Sứ mạng của thầy thuốc là cứu người. Sứ mạng đó là mặc nhiên, phổ quát và là trách nhiệm, bổn phận cao quý mà không phải ai cũng có được.

Trong các bộ phim của cả Việt Nam và nước ngoài, chúng ta đều thấy có một cảnh dù rất đau lòng, nhưng vẫn khiến người xem ấm lòng thế này: mỗi khi bác sĩ và ê-kip của mình không thể cứu sống một ai đó, họ đều đứng ra, cúi đầu trước gia đình nạn nhân và nói: “Xin lỗi, chúng tôi đã cố gắng hết sức!”, rồi ngậm ngùi nuốt lệ, nhanh chóng rời đi.

Lời xin lỗi, lời xin lỗi vì không thực hiện được sứ mạng của người thầy thuốc phải chăng chỉ có trên phim ảnh? Hay đây là một loại “tai biến… y đức” mà ngành y tế Việt Nam chưa có thuốc đặc trị?

Tin nổi bật