Theo Tạp chí Tri Thức, đây có lẽ là lợi ích nổi tiếng nhất của quả mận. Mận chứa một lượng lớn chất xơ cùng các hợp chất tự nhiên như sorbitol và isatin, đóng vai trò như những "thuốc nhuận tràng" tự nhiên.
Chất xơ không hòa tan giúp tăng khối lượng phân và kích thích nhu động ruột, giúp chất thải di chuyển dễ dàng hơn. Trong khi đó, sorbitol và isatin làm mềm phân, giảm tình trạng khó khăn khi đi đại tiện. Đây là lý do mận khô (prunes) từ lâu đã được xem là giải pháp hiệu quả cho người bị táo bón.
Chất xơ hòa tan trong mận còn là nguồn thức ăn lý tưởng cho các lợi khuẩn trong đường ruột, thúc đẩy sự phát triển của chúng. Một hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh không chỉ cải thiện tiêu hóa mà còn góp phần tăng cường hệ miễn dịch tổng thể.
Quả mận được cho là "nhà vô địch" về hàm lượng các chất chống oxy hóa, đặc biệt là anthocyanins (chất tạo nên màu tím, đỏ đặc trưng của mận), acid chlorogenic và các hợp chất phenolic khác.
Các gốc tự do là những phân tử không ổn định gây tổn thương tế bào, dẫn đến quá trình lão hóa sớm và tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như ung thư, bệnh tim mạch. Các chất chống oxy hóa trong mận sẽ trung hòa những gốc tự do này, bảo vệ tế bào khỏi bị phá hủy.
Nhiều hợp chất trong mận còn có đặc tính chống viêm mạnh mẽ, giúp làm dịu và giảm tình trạng viêm mạn tính trong cơ thể - yếu tố tiềm ẩn của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Nhờ sự kết hợp của kali và các chất chống oxy hóa, mận mang lại những lợi ích đáng kể cho hệ tim mạch.
Kali là một khoáng chất thiết yếu giúp cân bằng lượng natri trong cơ thể, từ đó góp phần điều hòa huyết áp hiệu quả. Việc tiêu thụ đủ kali có thể giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ và các bệnh tim mạch khác.
Các chất chống oxy hóa trong mận giúp ngăn chặn quá trình oxy hóa cholesterol LDL ("cholesterol xấu"), từ đó giảm thiểu sự hình thành mảng bám trong động mạch (xơ vữa động mạch). Điều này giúp các mạch máu luôn thông thoáng, giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Mặc dù mận có vị ngọt, chúng lại có chỉ số đường huyết (GI) tương đối thấp (khoảng 39-40), có nghĩa là mận không làm đường huyết tăng đột ngột sau khi ăn.
Hàm lượng chất xơ trong mận giúp làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu, từ đó giữ cho mức đường huyết ổn định hơn.
Một số nghiên cứu cho thấy các hợp chất trong mận có thể kích thích sản xuất adiponectin - một hormone quan trọng tham gia vào quá trình điều hòa đường huyết và độ nhạy insulin. Điều này đặc biệt có lợi cho những người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Tuy nhiên, người đã bị đái tháo đường chỉ nên ăn 1-3 quả mận cỡ trung bình mỗi lần ăn, hoặc khoảng 80-87g, không nên ăn quá 15 quả mận mỗi ngày, chọn mận không quá chín vì mận quá chín có lượng đường cao hơn và vị ngọt đậm hơn, có thể làm tăng đường huyết nhanh hơn, nên ăn cả quả thay vì nước ép.
Mận, đặc biệt là mận khô, đã được chứng minh là có tác dụng tích cực đối với mật độ xương, giúp xương chắc khỏe.
Quả mận là nguồn cung cấp vitamin K dồi dào, một vitamin không thể thiếu cho quá trình đông máu và sự hình thành xương chắc khỏe. Ngoài ra, mận còn cung cấp kali, magie và phốt pho - những khoáng chất cần thiết cho cấu trúc xương.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ mận (đặc biệt là mận khô) có thể giúp ngăn ngừa mất xương và giảm nguy cơ loãng xương, đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ sau mãn kinh.
Quả mận là một nguồn cung cấp tốt vitamin A (dưới dạng beta-carotene) và vitamin C - hai vitamin quan trọng cho đôi mắt sáng khỏe.
Vitamin A đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì thị lực tốt, đặc biệt là trong điều kiện thiếu sáng, và bảo vệ mắt khỏi các bệnh lý liên quan đến tuổi tác như thoái hóa điểm vàng.
Dù mận chứa hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng đối với một số người, chỉ cần ăn vài quả mận cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe:
- Đang dùng thuốc: Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh tuyệt đối không ăn mận trước khi phẫu thuật ít nhất 2 tuần. Đặc biệt, người vừa trải qua phẫu thuật càng không được ăn mận vì sẽ làm giảm lượng đường trong máu.
- Cơ địa nhiệt, nóng: Người có cơ địa nhiệt, nóng thì chỉ cần ăn vài quả mận là có thể ra các hiện tượng nóng trong, nhiệt miệng, mụn nhọt, nổi mụn, phát ban...
- Người đang đói: Mận chứa hàm lượng axit cao nên ăn lúc đói sẽ làm tăng tiết lượng axit trong dạ dày, dẫn đến tổn thương niêm mạc dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản. Nếu duy trì thói quen ăn mận khi đói thì sẽ làm tăng viêm loét ở thành dạ dày, từ đó dẫn đến biến chứng nguy hiểm như: Barret thực quản hay thậm chí là ung thư thực quản.
- Bị bệnh thận: Trong mận có chứa nhiều chất oxalate. Khi ăn nhiều mận, chất này có thể gây cản trở hấp thụ canxi trong cơ thể dẫn đến hiện tượng kết tủa trong thận. Đây chính là nguyên nhân gây sỏi thận và sỏi bàng quang.
- Phụ nữ có thai: Bà bầu có thân nhiệt nóng hơn bình thường nên ăn mận có thể gây phát ban, thậm chí làm sảy thai, gây hại cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Quả mận tuy mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng, dù yêu thích quả mận đến đâu, bạn cũng chỉ nên ăn tối đa 10 quả một ngày để tránh những hậu quả cho sức khỏe nói trên.
Trước khi ăn mận nên ngâm trong nước muối pha loãng để an toàn hơn.
Người bị bệnh tiểu đường không nên ăn mận đã chín vì chất đường trong mận có thể ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh.
Đặc biệt, không nên ăn nhân hạt mận bởi vì amygdalin chứa trong nhân hạt sau khi chúng ta ăn vào sẽ bị amygdalinase và axit dịch vị phân hủy thành acid cyanhydric. Chất này gây ức chế men cytochrome oxydase khiến người ăn phải dễ gặp các triệu chứng rối loạn hô hấp như khò khè, khó thở,..., thông tin trên Kinh tế & Đô thị.