(ĐSPL) - Một “Kế hoạch B” có thể sẽ được thay thế cho thỏa thuận ngừng bắn, Damascus sẽ sớm phải “chia tay” với Daraa, Deir Al Zor, Aleppo và Latakia. Sự chia cắt này có phải là là giải pháp tối ưu Syria, nguy cơ một cuộc nội chiến mới sẽ xảy ra?
Theo TTXVN, vài ngày trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nêu một giải pháp thay thế cho thỏa thuận ngừng bắn, được Nga - Mỹ bảo trợ, với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Thỏa thuận ngừng bắn đó có hiệu lực từ ngày 27/2 dù không bao gồm tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng như Mặt trận al - Nusra có liên hệ với al - Qaeda.
Bất chấp tình trạng bạo lực, dù của chính quyền Syria hay IS, nhiều người vẫn hy vọng rằng tất cả các bên sẽ tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn. Thời gian sẽ khẳng định liệu đây có phải là mơ tưởng hão huyền hay không, mặc dù kết quả đó sẽ thúc đẩy viễn cảnh diễn ra các cuộc đàm phán chính trị và cuối cùng là một hình thức hòa giải nào đó giữa các phe phái đối lập.
Nhiều khu vực tại Syria tạm thời im tiếng súng nhưng một số nơi lệnh ngừng bắn vẫn bị vi phạm. |
Nhưng vẫn chưa tới thời điểm đó bởi vẫn còn nhiều thứ chưa rõ ràng trong cuộc chiến ở Syria. Trước hết, có nhiều quốc gia và phe phái tin rằng họ đang giành thắng lợi, cho dù đất nước Syria thống nhất đã không còn tồn tại và sẽ cần ít nhất ba đến bốn thế hệ để xây dựng lại. Những người có khả năng khôi phục Syria - các lực lượng đối lập ôn hòa - đang phải chịu các cuộc tấn công, bao gồm từ các chiến đấu cơ của Nga vốn nhằm vào mục tiêu IS. Trên thực tế, IS vẫn chưa gác súng và rất “sung sướng” khi thách thức những dàn xếp của bên ngoài, đặc biệt là liên minh “Bộ tứ” mới được hình thành giữa Nga, Iran, Mỹ và chế độ Tổng thống Bashar al - Assad.
Trong khi đó, việc người Kurd nhận được sự trợ giúp từ Washington và Moskva đang chọc giận Thổ Nhĩ Kỳ - nơi nỗi lo sợ về chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ là có thực. Đây là lý do chính tại sao Ankara lo sợ những gì sẽ diễn ra dọc đường biên giới dài của họ với Syria và Iraq, đồng thời khăng khăng về một kế hoạch sẽ cho phép họ kiểm soát ít nhất một “vùng đệm” để ngăn chặn việc thiết lập khu tự trị độc lập của người Kurd.
Bất chấp những thay đổi trên, việc chia tách Syria có nhiều khả năng diễn ra hơn nhiều người tưởng tượng bởi chế độ Assad đã cam kết tiến hành cuộc chiến toàn diện và sẽ không chấp nhận chia sẻ quyền lực. Đây là điểm mà Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể lấy làm tiếc về sự trợ giúp có điều kiện của ông, bởi Moskva không thể chịu được sự can dự quân sự kéo dài.
Hiện có khả năng rõ ràng rằng các lực lượng bộ binh đa quốc gia, được cho là sẽ bao gồm Saudi Arabia và quân đội các nước Arập khác, có thể tiến vào Syria để chiến đấu và tiêu diệt IS, và điều này sẽ tiếp tục củng cố nguyên tắc phân chia lãnh thổ cho dù các nhân tố khác muốn gì đi chăng nữa.
Với một số người nuôi dưỡng ảo tưởng rằng việc phân chia Syria sẽ tạo ra ổn định, thì sự thật rằng các tiểu bang bán độc lập chỉ mang lại nhiều tai họa, không chỉ là nguy cơ có thêm nhiều người tị nạn, và ở các khu vực do IS kiểm soát là gia tăng chủ nghĩa cực đoan biến thái, mà còn tạo ra các nhân tố gây đảo lộn thế cân bằng.
Vùng đất “Alawistan” được Nga hậu thuẫn sẽ có nguy cơ đụng độ với người Sunni, đẩy Liban vào cuộc giao tranh kéo dài với sự tham gia của nhóm Hezbollah dọc đường biên giới cực kỳ nhạy cảm, vô cùng bất ổn và chưa được phân chia rõ ràng. Trên thực tế, việc phân chia Syria sẽ đồng nghĩa với việc chia tách Liban, cùng nguy cơ cuộc nội chiến mới đang bao trùm phía trước.
Sau thỏa thuận ngừng bắn, Mỹ muốn chia Syria thành 4 phần?
Tổng thống Mỹ Obama, Tổng thống Syria Assad (giữa) và Tổng thống Nga Putin. |
Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, nhà bình luận chính trị người Mỹ Michael Weiss cho rằng: “Nói cho đúng ra thì Syria đã không còn tồn tại". Theo ông, quốc gia này hiện đã bị chia tách thành các vùng đất nằm dưới sự "cai trị" của các tổ chức khủng bố, phe đối lập và lực lượng của Tổng thống Assad.
Việc người dân Syria bỏ chạy từ nơi này sang nơi khác, ngay cả sau những chiến dịch của người Kurd, không hề khiến Mỹ bận tâm, theo ông Weiss.
"Ở bất cứ quốc gia nào, thay đổi nhân khẩu học cũng là điều tiên quyết cần thiết, nếu không muốn nói là bắt buộc, để phân vùng lãnh thổ. Nói cách khác, kế hoạch B của Nhà Trắng ở Syria thực chất chính là kế hoạch A đang được tiến hành.
Câu hỏi duy nhất là, liệu nó sẽ diễn ra một cách ngẫu nhiên, hay được sắp đặt".
Ông Tony Badran từ Quỹ Bảo vệ Dân chủ (FDD) cũng có chung quan điểm trên. Ông Tony là một trong số ít các nhà phân tích về Syria lập luận, hoàn toàn không công bằng khi phủ nhận thực tế rằng chính quyền Obama đã cư xử một cách kém cỏi trong cuộc nội chiến ở Syria suốt 5 năm qua.
"Hình mẫu mà Obama muốn Syria hướng tới, về cốt lõi, là một bản sao của một hình mẫu mà ông đã áp dụng cho Iraq: Mỹ công nhận khu vực của người Iran, khu vực của người Kurd và khu vực của người Ả Rập theo dòng Sunni nằm ở giữa".
Trước viễn cảnh vô cùng u ám này, giải pháp liên bang sẽ là cách tiếp cận tốt hơn là phân chia, dù điều đó cần đến những người Syria khôn ngoan sẵn sàng đấu tranh vì dân chủ hóa. Nhưng những người Syria đó đang ở đâu?
GIA BẢO (Tổng hợp)
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]FdtdLe29hU[/mecloud]