(ĐSPL) - Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 06 nới lỏng tỉ lệ an toàn của các tổ chức tín dụng, đã bắt đầu có những dấu hiệu cho thấy sức ép thanh khoản đối với các NH tiếp tục được giảm bớt.
Thị trường tiền tệ hạ nhiệt
Tin tức trên báo Lao động, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 06 nới lỏng tỉ lệ an toàn của các tổ chức tín dụng được NHNN ban hành cuối tuần qua, đã bắt đầu có những dấu hiệu cho thấy sức ép thanh khoản đối với các NH tiếp tục được giảm bớt.
Nhận định về chính sách của NHNN, các chuyên gia thuộc CTCK Bảo Việt (BVSC) đưa ra nhận định đây là một bước nhượng bộ của NHNN, giúp các NH có thêm thời gian chuẩn bị nhằm đáp ứng các tỉ lệ theo yêu cầu của thông tư mới. Với thông tư mới này, sức ép thanh khoản đối với các NH sẽ được giảm bớt trong ngắn hạn.
Các NH đã dư thanh khoản từ hai tuần qua và điều này được củng cố vào cuối tuần rồi, khi Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỉ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng được NHNN ban hành. Trong đó, điểm nổi bật là cho phép các NH giữ nguyên tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 60\% như hiện nay đến hết năm 2016. Kể từ 1.1.2017, tỉ lệ này giảm xuống mức 50\% và từ đầu năm 2018 mới giảm xuống mức 40\%. Đây được coi là một yếu tố hỗ trợ, giúp thị trường tiền tệ liên NH tiếp tục dễ chịu trong thời gian tới.
Theo BVSC, trên thị trường trái phiếu chính phủ thứ cấp, giá trị giao dịch tăng khá nhiều so với tuần trước, đến 36\%. Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 2.217 tỉ đồng. Lợi suất trái phiếu tiếp tục có xu hướng giảm tại hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, lợi suất các kỳ hạn 1 năm, 2 năm và 3 năm giảm đồng loạt trên 0,04 điểm phần trăm về mức 4,58\%, 4,93\% và 5,376\%/năm. Lợi suất kỳ hạn 7 năm và 15 năm giảm quanh 0,01 điểm về mức 6,754\% và 7,693\%/năm. Riêng kỳ hạn 5 năm tăng nhẹ 0,004 điểm phần trăm lên mức 6,22\%/năm và kỳ hạn 10 năm giữ nguyên lãi suất ở mức 6,99\%/năm.
Lãi suất liên NH ngày thứ hai đầu tuần đã tiếp tục giảm ở kỳ hạn qua đêm đến một tuần, tiếp tục tiến về mức đáy, thấp nhất trong vòng hơn một năm qua. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tiếp tục giảm 0,32 điểm phần trăm về mức 1,46\%/năm; kỳ hạn một tuần cũng giảm 0,51 điểm phần trăm về mức 1,55\%/năm. Tuy nhiên, lãi suất trung bình kỳ hạn hai tuần tăng nhẹ 0,07 điểm phần trăm, lên mức 2,45\%/năm, cũng vẫn là mức lãi suất thấp trong vài tháng qua. Đây đều là những mức lãi suất thấp nhất trong vòng một năm trở lại đây, cho thấy trạng thái “thư dãn” của thanh khoản hệ thống NH tuần qua, các chuyên gia của BVSC nhận xét.
Sau khi NHNN ban hành Thông tư 06 nới lỏng tỉ lệ an toàn của các tổ chức tín dụng, đã bắt đầu có những dấu hiệu cho thấy sức ép thanh khoản đối với các NH tiếp tục được giảm bớt. |
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đây sẽ là yếu tố tác động khiến cho tín dụng từ NH sắp tới có thể được bơm ra mạnh hơn. Cuộc đua tăng lãi suất huy động có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả xuất phát từ tác động của dự thảo Thông tư 36, theo đó nhiều NH tăng mạnh lãi suất huy động trung-dài hạn nhằm tăng nguồn vốn trung-dài hạn sớm để đón đầu, đáp ứng được các quy định của dự thảo Thông tư 36 khi đi vào hiệu lực. Với Thông tư 06 vừa ban hành, nhiều NH tăng lãi suất tiền gửi trung-dài hạn đầu vào trong thời gian trước đây có thể sắp tới sẽ điều chỉnh giảm lãi suất huy động để giảm chi phí vốn trở lại, nhất là khi tín dụng đầu ra thời gian gần đây đang bị chững lại. Từ đó, các chuyên gia kinh tế tin rằng tăng trưởng tín dụng có thể đạt đỉnh trong năm nay trước khi giảm tốc trong năm 2017. Tuy nhiên, mặt trái của bước ngoặt chính sách này có thể khiến các khoản nợ xấu có thể bị mở rộng, chênh lệch lãi suất (NIM) và tỉ lệ an toàn vốn (CAR) của các NH có thể xấu đi, tức là chất lượng tài sản của NH có thể bị giảm sút
Nới nhưng phải giám sát
Thông tin trên Thời báo Kinh tế Việt Nam, một điểm nữa tại Thông tư 06 là Ngân hàng Nhà nước cũng xác định lộ trình đối với việc nâng hệ số rủi ro các khoản phải đòi trong kinh doanh bất động sản từ mức 150\% lên 200\% thay vì 250\% như dự thảo lần trước; đồng thời, chỉ có hiệu lực từ 1/1/2017.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) nói: “Tôi đánh giá cao sự cầu thị của Ngân hàng Nhà nước trước kiến nghị của HoREA. Thay vì cứng nhắc, đột ngột, Thông tư 07 với lộ trình phù hợp, đã giải tỏa căng thẳng cho cả ngân hàng và giới đầu tư bất động sản”.
Theo ông Lê Hoàng Châu, sở dĩ trong mấy năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước luôn dè chừng, cảnh giác tín dụng bất động sản và hành động cứng rắn là vì mấy lý do sau.
Giai đoạn 2006 - 2011, do chính sách tín dụng nói chung và tín dụng bất động sản nói riêng lỏng lẻo nên dẫn đến tình trạng “bơm - thắt”, ít nhất là 2 lần, tạo ra nỗi hoảng sợ cho cả cơ quan quản lý lẫn giới kinh doanh.
Đến 2014, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36, quy định vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 60\% và hệ số rủi ro 150\%, được đánh giá là phù hợp nhưng cũng trong thời gian này, do các ngân hàng thương mại không giám sát chặt dòng vốn vay nên thị trường bất động sản có biểu hiện bong bóng ở phân khúc cao cấp.
“Lần này Ngân hàng Nhà nước sửa đổi có lộ trình, không tạo sốc cho thị trường nhưng kể cả như vậy, vẫn phải giám sát chặt dòng vốn vay để tránh tình trạng ngân hàng làm bậy, nhận thế chấp hai lần, cho vay cả chủ dự án lẫn người mua nhà đối với một dự án”, ông Châu cảnh báo.
Ông cũng cho rằng, siết tín dụng bất động sản nhưng có lộ trình là cần thiết, vì quá trình đó sẽ đào thải bớt các nhà đầu tư yếu kém năng lực quản trị và tài chính, đồng thời, tự thân thị trường phải tìm các kênh vốn khác thay vì chỉ dựa dẫm vào nguồn vốn ngân hàng.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin