(ĐSPL) - Tưởng rằng đã chết trong một vụ lở núi 2 năm trước, chị An bỗng đột ngột trở về với một nhan sắc đã biến dạng… để chăm sóc những đứa con.
Sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi nghèo nhất nhì tỉnh Tây Ninh, là chị cả trong gia đình có tới 7 người con, chị Huỳnh Minh An sớm phải bươn chải, cùng cha mẹ lam lũ nuôi các em. Vùng quê chị khi ấy chỉ có vài nóc nhà, mà nhà nào cũng nghèo xác nghèo xơ. Cả làng chỉ có vài mảnh ruộng trồng trọt được, chỉ làm mấy tháng trong năm là đã hết việc, nên hết mùa cấy hái, người dân đa phần phải đi khắp nơi làm thuê, làm mướn.
Bố mẹ chị An cũng không ngoại lệ. Bởi vậy mà gánh nặng gia đình gần như là đổ dồn cả lên đôi vai nhỏ bé của chị An. Vừa phải lo việc nhà cửa, ruộng vườn, vừa phải chăm sóc dạy dỗ các em thay bố mẹ nên chị An sớm tháo vát và nhanh nhẹn hơn người.
17 tuổi, chị đã được rất nhiều gia đình trong làng đến dạm hỏi, mong cưới được chị về làm dâu trong nhà. Gia đình chị tuy nghèo nhưng lại lấy được chị về chẳng khác nào “tậu được con trâu tốt”. Nhưng dù được nhiều người theo đuổi, chị vẫn một lòng một dạ yêu và chờ đợi anh Dóng, một chàng trai làng bên.
Nhà anh Dóng cũng thuộc dạng nghèo nhất làng. Bố mẹ anh qua đời từ khi anh còn rất nhỏ. Sớm phải sống cảnh côi cút nhưng anh Dóng rất giàu nghị lực. Tình yêu của chị An dành cho anh Dóng bắt đầu từ sự cảm phục. Anh Dóng không có ruộng đất nên phải xa quê đi làm ăn. Anh học được nghề mộc, trở thành một người thợ khéo tay và thường xuyên đi đây đó để nhận các công trình. Có công việc tạm ổn, anh trở về quê, cưới chị An làm vợ.
Đám cưới được tổ chức rất đơn giản nhưng lại tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Sau lễ cưới, chị An tưởng mình là người phụ nữ may mắn nhất, bởi lấy được một người chồng rất mực yêu thương, chiều chuộng vợ.
Cưới nhau được vài tháng, anh Dóng lại lên đường đi làm xa. Khi ấy chị An cũng vừa mang thai đứa con đầu lòng. Đứa con khi ấy chính là niềm vui và là động lực to lớn để anh Dóng quyết chí làm ăn, mong sẽ đem lại cho gia đình mình cuộc sống ấm no. Chẳng bao lâu sau, nhờ sự tháo vát, khéo vun vén của chị An và sự chăm chỉ, cần cù của anh Dóng, kinh tế gia đình anh chị đã khấm khá lên trông thấy. Tuy nhiên, đó cũng là lúc những chuyện chẳng bao giờ ngờ tới ập xuống gia đình nhỏ.
Trong suốt 10 năm chung sống, chị An đã sinh cho anh Dóng 3 cô con gái kháu khỉnh, xinh đẹp. Nhưng dường như điều đó vẫn chưa đủ với anh Dóng. Từ ngày gia đình khá giả, anh Dóng bắt đầu thay tính đổi nết. Anh không còn tỏ ra yêu thương, tha thiết với vợ như trước. Những chuyến đi xa của anh cũng dày đặc hơn và kéo dài hơn thường lệ.
Bằng sự nhạy cảm của người phụ nữ, chị An linh tính có chuyện chẳng lành, nhưng chị vẫn gạt sang bên tất cả để tin tưởng chồng và chăm lo cho con cái.
Nhưng rồi điều chị lo sợ nhất cũng đã tới. Năm đó, anh Dóng dắt về một người đàn bà trẻ hơn chị đến vài tuổi. Anh quen cô ta trong những chuyến đi làm ăn xa, hai người đã sống như vợ chồng trong suốt một thời gian dài và cô ta đã sinh cho anh một đứa con trai được gần 2 tuổi.
Anh Dóng dắt cô ta về với lý do rằng vì chị An chỉ sinh được con gái, nên anh phải cưới thêm vợ nữa để có người nối dõi. Chị An đã suy sụp, khóc lóc thảm thiết mất mấy ngày trời, nhưng rồi cũng phải chấp nhận sự thật.
Từ ngày có cô vợ hờ về nhà, anh Dóng chỉ hay lui tới chăm sóc cô ta và đứa con trai, hoàn toàn bỏ mặc mẹ con chị An. Thậm chí anh còn nhẫn tâm bắt chị và các con phục vụ cô vợ trẻ, từ cơm nước, giặt giũ đến cả lau nhà, đổ bô…
Vì các con, chị An vẫn nhẫn nhục cho qua. Nhưng càng ngày thái độ của cô vợ trẻ càng quá quắt, anh Dóng cũng không còn coi chị ra gì. Ngày nào anh cũng sỉ vả, đánh đập chị rất tàn nhẫn. Trong một lần quá phẫn uất vì chồng, chị An đã lao vào cánh rừng gần đó. Đêm hôm ấy trời đổ mưa lớn.
Nghe nói có vụ sạt núi, nhưng anh Dóng vẫn điềm nhiên không đi tìm vợ. Vài ngày sau không thấy vợ về, anh ta đi trình báo chị mất tích. Công an xã và người dân trong làng đổ đi tìm chị, nhưng chẳng có dấu vết nào, ai cũng nghĩ rằng chị đã bị vùi lấp trong vụ sạt núi vừa rồi.
Sự trở về bất ngờ của người mẹ "đã chết". Ảnh minh họa. |
Thấy vậy, anh Dóng chẳng những không đau buồn mà còn mừng rỡ ra mặt. Cô vợ trẻ thì như nhổ được cái gai lâu ngày trong mắt. Nên chỉ một tuần sau, họ đã tổ chức đám cưới rình rang. Anh Dóng chính thức có vợ mới trong khi còn chưa làm ma cho vợ cũ. Cuộc sống gia đình anh Dóng nhanh chóng trở lại bình thường, chỉ có 3 đứa con của chị An là phải chịu khổ.
Dù là máu mủ của mình nhưng anh Dóng chẳng hề đoái hoài gì đến chúng. Từ ngôi nhà lớn, 3 đứa trẻ phải chuyển xuống ở trong căn nhà kho dột nát, mỗi bữa chỉ được chút cơm thừa canh cặn và không được tiếp tục đi học. Đứa lớn thì bị bắt đi làm thuê ở xưởng đá, công việc vô cùng nặng nhọc, còn đứa nhỏ hơn thì phải ở nhà bế em, cơm nước và lau dọn nhà cửa. Đứa bé nhất chưa biết làm gì thì suốt ngày bị hành hạ, mắng chửi.
Ba đứa trẻ lầm lũi tự bao bọc lấy nhau. Đêm nào chúng cũng ri rỉ khóc vì nhớ thương người mẹ đã mất. Hàng xóm biết chuyện nhưng chẳng ai dám can thiệp bởi cô vợ trẻ là người rất chua ngoa, đanh đá, sẵn sàng chửi bới những ai dám “xía mũi” vào chuyện nhà mình.
Hai năm ròng rã những đứa trẻ con của chị An phải sống trong cảnh cực khổ, bị mẹ ghẻ ngược đãi mà chẳng thể kêu ai. Lúc nào chúng cũng ước ao, mơ tưởng đến những ngày xưa yên ấm. Rồi một ngày, bất ngờ điều chúng mong ước đã trở thành sự thật.
Chị An đột ngột trở về, trong bộ dạng giống như một thây ma hơn là một con người, với khuôn mặt biến dạng với những sẹo lồi chằng chịt và một cánh tay bị khoèo, đôi chân đi cà nhắc. Chị đã trở về để… chăm sóc con.
Hôm ấy, chị băng rừng về nhà thăm con. Nhìn thấy chị, những đứa trẻ thoạt đầu hoảng sợ định bỏ chạy, nhưng chúng đã nhanh chóng nhận ra giọng nói của mẹ. Mấy mẹ con chẳng nói được lời nào, chỉ ôm nhau khóc. Chị thăm các con, cho chúng quà bánh, tiền bạc rồi lại hối hả băng rừng đi ngay, trước khi bị ai đó bắt gặp.
Cứ vài tháng chị lại trở về thăm con một lần. Thấy những đứa trẻ đột nhiên vui vẻ, trắng trẻo, béo tốt ra, cô vợ mới sinh nghi, rình rập theo dõi, nhưng lần nào cô ta cũng chỉ thấy bóng dáng khập khiễng của một người phụ nữ đáng sợ ẩn hiện trong cánh rừng.
“Thần hồn nát thần tính”, lại bị ám ảnh vì cái chết của người vợ cũ và tội lỗi với những đứa con của chị, cô vợ mới sinh ra sợ hãi, hoảng loạn. Biết được điều này, chị An càng làm giữ hơn. Chị giả bộ làm "ma", quanh quẩn gần nhà để dọa cô ta. Sau vài ngày thấy hình ảnh một người phụ nữ đáng sợ và nghe được những tiếng khóc nỉ non, ai oán, cô vợ mới vội vã bế con trở về quê cũ.
Thật ra, chị An có lẽ đã bỏ mạng trong trận lở núi hôm nào nếu không được một người đi rừng tình cờ phát hiện ra. Người đó đã đưa chị về nhà cứu chữa. Nhưng cũng vì cảnh nghèo mà không thể đưa chị tới bệnh viện, bởi vậy mà cánh tay và đôi chân chị mới bị tật.
Song không vì thế mà chị An đầu hàng số phận. Được sự giúp đỡ hết lòng của gia đình ân nhân, chị đã hồi phục và tìm được một công việc trong khu công nghiệp. Ngoài thời gian làm công nhân, chị còn buôn bán thêm và dành dụm tiền để trở về với những đứa con. Cuối cùng thì chị cũng đã được bù đắp phần nào bằng tình mẫu tử.
(Bài đã được đăng trên trang Hôn nhân và Pháp Luật – một chuyên trang của báo Đời sống và Pháp luật)
DIỆU THẢO
Xem thêm video Xôn xao clip chồng bắt quả tang vợ ngoài tình với người nước ngoài