(ĐSPL) - Dù mọi người xì xào về việc anh Sửu đang nhiễm HIV mà chị Hải vẫn quyết định trao thân, gửi phận.
Theo tin tức trên Vnexpress, ngày 10/4, trong căn nhà nhỏ nằm sát con đường ven biển thị xã Cửa Lò (Nghệ An), anh Hoàng Khắc Sửu chia sẻ rất vui khi được xóa tên khỏi danh sách quản lý người nhiễm HIV/AIDS của phường và thị xã. Tuy nhiên, người đàn ông 42 tuổi này vẫn bức xúc vì suốt 13 năm qua phải mang bản án vô hình.
Bi kịch xảy ra trong thời gian anh Sửu thi hành án tại trại giam số 3 Bộ Công an. "Năm 2001-2003 tôi ở trại giam, thái độ bất thường của người thân khi lên thăm nuôi khiến tôi linh cảm mình đang mang căn bệnh HIV/AIDS. Tôi bắt đầu thấy tuyệt vọng, nghĩ mình sẽ không còn được bao lâu. Tinh thần lúc đó bấn loạn và suy sụp rất nhiều", anh Sửu kể.
"Những ngày tháng tiếp theo tôi thấy sức khỏe rất bình thường nên lại có thêm động lực. Tháng 8/2013, được đặc xá trước thời hạn, tôi xót xa khi biết mẹ già đã qua đời được ba tháng và trước khi mất, bà đinh ninh tôi mang bệnh AIDS", anh Sửu gạt nước mắt kể.Cuộc sống đặc biệt khó khăn khi anh Sửu mang hồ sơ tới đâu tìm việc đều bị từ chối.
Theo Tri thức trực tuyến, tuy nhiên, Sửu may mắn khi gặp được người phụ nữ tin tưởng mình. Đó là chị Nguyễn Thị Hải (40 tuổi, ở xã Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc), vợ anh bây giờ.
Vợ chồng anh Sửu, chị Hải. Ảnh: Tri Thức trực tuyến |
|
Tháng 6/2014, trong lần đi đám cưới nhà một người quen, anh Sửu gặp ông Chế Đình Dũng, Trạm trưởng Trạm y tế phường Nghi Thu. Ông Dũng thắc mắc vì sao anh Sửu nhiễm HIV mà người vẫn khỏe mạnh bình thường nhiều năm. Vị trạm trưởng khuyên anh nên đi xét nghiệm lại.
Sau đó, anh một mình lên làm xét nghiệm tại Trung tâm phòng chống HIV-AIDS Nghệ An và hai lần ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Kết quả cho thấy anh Sửu âm tính với kháng thể HIV.
Cầm kết luận trên tay, anh rưng rưng nước mắt. Rồi anh để kết quả xét nghiệm lên bàn thờ và thắp hương báo với linh hồn của mẹ già đã khuất.
“Trong thời gian ở trại giam, tôi cố gắng cải tạo tốt với mong muốn được về chăm sóc mẹ. Nào ngờ bà lại ra đi khi cuộc sống xung quanh có quá nhiều điều không tốt về đứa con của mình”, anh Sửu nghẹn ngào.
Nói về chuyện tình của mình với chị Hải, anh Sửu cho biết họ đến với nhau cũng rất tình cờ. Đó là vào tháng 9/2014, nhờ người quen cho số điện thoại, anh Sửu gọi điện hỏi thăm rồi đến nhà tìm hiểu. Chỉ sau ít ngày, họ đã gắn bó với nhau như thể yêu nhau lâu rồi.
Tuy nhiên, cũng ít ngày sau đó, người dân bắt đầu bàn tán xôn xao về chuyện tình của hai người. Mọi người xì xào về việc anh Sửu đang nhiễm HIV mà chị Hải vẫn quyết định trao thân, gửi phận.
“Thực sự khi nghe người ta nói anh ấy bị nhiễm HIV thì tôi cũng rất sốc, hoang mang vô cùng. Tôi có hỏi anh Sửu về sự việc này nhưng anh lại khẳng định là không đúng. Sau nhiều ngày suy nghĩ, cuối cùng tôi vẫn quyết định gắn bó với anh vì tôi tin người mình yêu”, chị Hải tâm sự.
Gia đình, người thân nhà chị Hải kịch liệt phản đối cuộc hôn nhân này. Chỉ đến lúc anh Sửu cam kết mình không bị nhiễm HIV và trưng kết quả giám định thì họ mới tin và cho phép hai người tổ chức đám cưới. Hiện, chị Hải đã mang thai một bé trai được 7 tháng.
“Nếu không có nghị lực cũng như sự động viên tình thần từ cô ấy thì có lẽ tôi đã gục ngã. Hải đã cho tôi niềm tin vào cuộc sống”, anh Sửu cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Phùng Bá Hồng, Khối trưởng nơi anh Sửu sinh sống cho biết, từ khi về hòa nhập với cộng đồng, anh Sửu chấp hành tốt phát luật, sống hòa nhã với bà con, lối xóm. Khi người đàn ông 42 tuổi này được minh oan, mọi người trong xóm cũng rất vui và gửi lời chúc mừng đến anh.
Ngày 6/4, trong thông báo về kết quả cuộc họp giải quyết đơn khiếu nại của công dân, Sở Y tế Nghệ An nêu rõ sau khi xác định ông Hoàng Khắc Sửu âm tính với virus HIV, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đã yêu cầu xóa mã số có tên trong danh sách quản lý người nhiễm HIV/AIDS của phường và thị xã.
Đề cập trách nhiệm của những người liên quan, Sở Y tế cho biết, năm 2003 việc lấy mẫu máu xét nghiệm cho các phạm nhân trong trại giam thuộc chương trình giám sát trọng điểm do Ban AIDS quản lý. Năm 2007, các số liệu của bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được chuyển giao cho Trung tâm phòng chống HIV/AIDS. Sự việc đã xảy ra hơn 10 năm, số cán bộ tham gia trực tiếp lấy mẫu máu xét nghiệm và cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc cho các phạm nhân tại trại giam số 3 từ đó đến nay đã nghỉ hưu.
"Tại thời điểm lấy mẫu xét nghiệm, bộ phận phòng chống HIV/AIDS mới được thành lập, lúc đó trình độ khoa học, phương tiện máy móc và cả con người còn hạn chế... Ngành y tế chia sẻ sâu sắc với ông Sửu và gia đình, cảm ơn ông đã phản ánh sự việc", thông báo nêu.
Cho rằng trả lời của Sở Y tế Nghệ An là chưa thỏa đáng, anh Sửu kiến nghị: "Tôi và người thân tổn thất tinh thân rất nặng nề hơn 10 năm qua, giờ đây chỉ mong cấp có thẩm quyền vào cuộc làm rõ đúng sai, bồi thường về tinh thần cho tôi" anh Sửu nói.
Những tình huống xúc động rơi nước mắt trên sân cỏ
Gia Huy (Tổng hợp)