Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện tình đẹp như cổ tích vị trạng nguyên kỳ lạ bậc nhất đất Việt

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, hiếm vị trạng nguyên nào có xuất thân kỳ lạ như Trạng Khiếu. Thân thế của ông vẫn còn tranh cãi và cần có kiểm nghiệm lịch sử.

(ĐSPL) - Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, hiếm vị trạng nguyên nào có xuất thân kỳ lạ như Trạng Khiếu. Thân thế của ông cho tới giờ vẫn còn nhiều tranh cãi và cần có sự kiểm nghiệm lịch sử.

Tuy nhiên, sự chung tình của vị trạng nguyên này cho tới giờ vẫn được sử sách và giai thoại dân gian lưu giữ như một minh chứng cho một mối tình đẹp...

Đi tìm thân thế của trạng nguyên bí ẩn

Học giả Phan Kế Bính trong cuốn sách Các cụ Trạng Việt Nam đã kể về một vị trạng đặc biệt có tên Khiếu Hữu Thanh ở đất Đồng Cống, làng Hữu Thanh, tỉnh Thái Bình. Chuyện kể rằng, thuở nhỏ ông tên Bé, là con của một người mõ còn gọi là lão Đốp. Bé từ nhỏ không được học hành, cả ngày chỉ vác mõ thay bố rao làng nước mỗi khi có tin tức gì cần loan báo và đi chia phần biếu cho các quan viên. Tuy nhiên, nhờ cơ duyên lạ lùng mà lấy được vợ đẹp, lại được đi học và sau này trở thành một vị trạng nguyên nổi tiếng trong lịch sử khoa bảng Việt Nam.

Tìm trong sử sách, chúng tôi không thấy bất cứ tư liệu nào nói về vị trạng nguyên này. Để làm rõ những hoài nghi, chúng tôi tìm đến vùng đất làng Hữu Thanh xưa (nay thuộc khu vực xã Phú Xuân, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) và tìm gặp Tộc trưởng họ Khiếu là ông Khiếu Hữu Liêm để xác minh lại thông tin. Tuy nhiên, ông Liêm cho biết, những vị cao niên trong họ chưa từng nghe tới vị Trạng nguyên này. “Dòng họ Khiếu chúng tôi vốn quê ở làng Phú Lạc, xã Phú Xuân, TP.Thái Bình. Theo gia phả để lại, dòng họ chúng tôi có cụ tổ Khiếu Đình Tuân đỗ trạng nguyên chứ không có vị trạng nguyên nào là Khiếu Hữu Thanh cả”, ông nói.

Họ Khiếu không có trạng nguyên Khiếu Hữu Thanh.

Ấy thế nhưng khi đề cập tới câu chuyện tình yêu của vị trạng nguyên này với người con gái tên Ngọc, vốn là con gái cụ thượng Lê thì ông Khiếu Hữu Liêm lại cho hay: “Theo gia phả cũng như lời các cụ truyền lại thì cụ tổ Khiếu Đình Tuân của chúng tôi cũng có mối tình tương tự như vậy với con gái cụ thượng Lê. Trước đây, cụ cao niên Khiếu Hữu Tam vẫn thường kể cho con cháu họ Khiếu nghe thời gian khó khăn của cụ tổ, câu chuyện tương tự như trong giai thoại về trạng nguyên Khiếu Hữu Thanh. Vì thế tôi cho rằng hai cụ trạng nhưng thực chất chỉ là một mà thôi. Có thể khi lưu truyền trong dân gian thì tên của cụ bị biến đổi đi chăng?”.

Thực tế là trạng nguyên Khiếu Đình Tuân cũng được dân gian gọi bằng Trạng Khiếu (trùng với cách gọi của trạng nguyên Khiếu Đình Thanh). Trong khi đó các tài liệu ghi chép về trạng nguyên Khiếu Đình Tuân cho biết, ông đỗ khoa thi cuối cùng của triều Mạc, đỗ xong cả vua tôi phải chạy khỏi kinh thành, chưa có lễ xướng danh. Ông có ý định phù Mạc, chống Lê nhưng sự nghiệp không thành, bỏ đi tu và mất sau đó. Điều đáng lưu ý là trong gia phả họ Khiếu cũng ghi lại, do cụ tổ sinh vào thời loạn ly lại đỗ đạt và làm quan đại thần nên buộc phải đổi họ tên, mai danh ẩn tích.

Gia phả cũng ghi lại cụ Khiếu Đình Tuân cuối đời đã về tu và mất ở chùa Vạn Linh, thuộc xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Theo thông tin mà ông Khiếu Hữu Liêm cho biết, năm 2011, ông đã cùng 37 người họ Khiếu đến chùa Vạn Linh để tìm lại mộ tổ. Sau nhiều ngày tìm kiếm, đoàn đã tìm được một bia mộ ngay dưới nền chùa ghi “Trạng nguyên Khiếu Tướng công thọ sở”. Nhưng ngặt một nỗi dưới nền chùa trước đây chôn rất nhiều tượng Phật con cháu cũng sợ động nên chưa thể đào tiếp lên để tìm mộ chí.

Như vậy, đến nay danh tính trạng nguyên Khiếu Hữu Thanh vẫn còn là một dấu hỏi. Những giả thuyết được đề cập ở trên cũng chỉ là những nghi ngờ mà chưa có sự kiểm nghiệm lịch sử. Cùng với những thăng trầm của thời cuộc, danh tính có thể thay đổi nhưng câu chuyện về vị trạng nguyên này, nhất là về cuộc tình nổi tiếng của ông vẫn là một tấm gương cho thế hệ sau này học tập và noi theo.

Giai thoại về sự chung tình nổi tiếng của trạng nguyên

Theo ghi chép của học giả Phan Kế Bính thì khi trạng nguyên Khiếu Hữu Thanh (tên tục là Bé) đến tuổi trưởng thành, tuy vẫn chưa biết chữ nhưng lại tỏ ra thông minh lạ thường. Lúc bấy giờ cụ thượng Lê là tiên chỉ trong làng có một người con gái đẹp tên Ngọc. Không hiểu nhân duyên thế nào mà con gái cụ thượng Lê lại đem lòng yêu Bé rồi ốm tương tư. Cô một hai nếu không lấy được Bé thì chết chứ không chịu lấy người khác. Cụ thượng Lê thấy thế thì xấu hổ vô cùng vì con gái một vị thượng quan mà lại đi say mê một gã thường đinh mù chữ. Thương con gái nên cụ đành chấp nhận nhưng sau đó đuổi cô Ngọc đi, nhất định không nhận con gái nữa.

Sau khi lấy chàng Bé, con gái cụ thượng Lê cùng chồng vào Thanh Hóa tìm cụ thượng Phùng (vốn là bạn cụ thượng Lê) để xin học cho chồng. Nàng nói dối Bé là em trai nhưng vì học dốt và lười biếng nên bị cụ thượng Lê đuổi đi. Vì thương xót em, Ngọc phải bán tư trang, đưa em lặn lội vào đây để xin thụ giáo.

Đền thờ trạng nguyên Khiếu Đình Tuân ở xã Phú Xuân, TP. Thái Bình hiện nay.

Cụ thượng Phùng thấy thế không nghi ngờ gì liền nhận lời và từ đó Ngọc thắt lưng buộc bụng, buôn bán lấy tiền cho Bé đi học. Bé ở luôn nhà cụ thượng, còn Ngọc thì dọn một quán nước ở riêng, một tháng đôi lần đến thăm Bé và đem lương thực cho chàng. Điều lạ là sau khi vỡ trí, Bé học đâu nhớ đấy, chẳng mấy chốc nổi tiếng thơ hay, phú giỏi, đứng đầu trường. Bé học được ba năm, một hôm cụ thượng Phùng gọi Ngọc đến bảo rằng: “Em cháu chắc khoa này đỗ đầu thiên hạ. Vậy cháu phải về thưa ngay với cha làm tờ khai cho em cháu đi học để kịp ngày thi”. Bấy giờ Ngọc phải thú thực Bé là chồng mình. Nàng kể lại đầu đuôi câu chuyện cho cụ thượng Phùng nghe. Nghe xong, cụ thượng liền viết một bức thư cho cụ thượng Lê kể lại mọi sự tình và quả quyết nếu Bé được đi thi kỳ này thì thế nào cũng đoạt được khôi giáp.

Nhận được thư, cụ thượng Lê bèn vào Thanh Hóa để xem việc thực hư thế nào. Cụ thượng Phùng cho gọi Bé vào hầu. Cụ thượng Lê hỏi câu nào Bé đối đáp trôi chảy, mạch lạc, làm cho cụ rất đỗi ngạc nhiên và bất ngờ, sau đó cụ bảo rằng: “Ta không thể lấy họ Lê làm họ cho con rể, mày là con lão Đốp thì ta đặt cho mày họ Khiếu tên là Hữu Thanh". Sau đó ít lâu, cụ về làng bắt lý trưởng loại khai cho hạch thi. Khoa thi Hương năm ấy, Khiếu Hữu Thanh giật giải nguyên. Lúc xướng danh ban yến, cụ thượng Lê viết thư bảo Hữu Thanh về làng chơi, nhưng Hữu Thanh không chịu. Hữu Thanh về thẳng chỗ cụ thượng Phùng xin ở lại theo học nữa để chờ thi Hội và thi Đình. Sau đó, Hữu Thanh đỗ hội nguyên, được vua Lê sắc từ “Đệ nhật giấy tiến sỹ cấp đệ nhất danh”.

Lúc vào thượng uyển xem hoa, vua Lê ngỏ ý muốn gả công chúa Quỳnh Hoa cho Hữu Thanh. Hữu Thanh tâu lên rằng đã có vợ, không thể phụ nghĩa được. Vua khen ăn ở thủy chung. Cụ thượng Hà, bạn của cụ thượng Lê và cụ thượng Phùng cũng muốn gả con gái tên là Bích Châu cho Hữu Thanh, chàng cũng từ chối luôn.

Khiếu Hữu Thanh làm quan liêm chính, chỉ sáu, bảy năm thì lên được chức thượng thư, rồi tể tướng. Đến lúc cáo lão về làng, dân làng lập từ, nay là đền quan trạng

Khiếu tại quê cũ. Về sau, nói về trạng Khiếu xuất thân làm mõ, người ta có câu thơ rằng: Họ Khiếu vang trời kêu tiếng mõ kêu!                            

Không có trạng nguyên Khiếu Hữu Thanh

Đây là khẳng định của một vị lãnh đạo sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình. Vị này khẳng định hiện nay không có tài liệu nào ghi về trạng nguyên Khiếu Hữu Thanh mà chỉ có một vị trạng nguyên họ Khiếu ở TP. Thái Bình là Khiếu Đình Tuân mà thôi. Cũng nhờ có hướng dẫn của vị này mà chúng tôi mới tìm được hậu nhân dòng họ Khiếu đang sinh sống ở đây.

H. ANH – P. THIỆU

Clip:Kì diệu tình yêu của mẹ đã hồi sinh đứa con chết lâm sàng

Tin nổi bật