Thời gian qua, cơ quan công an trên nhiều địa bàn các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước nhận được nhiều thông tin trình báo của người dân bị các đối tượng lạ mặt giở "thuật" thôi miên để trộm cắp tài sản với giá trị lớn. Qua xác minh ban đầu từ các vụ án, cơ quan điều tra công an trước mắt nhận định đây là hành vi gây án mới của các đối tượng lừa đảo, trộm cắp, đồng thời đã lật tẩy cái gọi là "thuật thôi miên" trong các vụ án.
Bàn tay ma quỷ...
Vừa qua, dư luận xôn xao vụ "thôi miên, đánh thuốc mê" tại cửa hàng 490 Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) cướp đi nhiều tài sản với tổng giá trị khoảng 1,5 tỷ đồng. Theo khai báo của chị Vũ Hoàng Điệp (23 tuổi, trú tại ngõ 29 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội), một người phụ nữ bước vào cửa hàng, thấy có mình chị Điệp liền giả vờ mua hàng, sau đó đột nhiên xõa tóc rồi chị Điệp mê man.
Khi tỉnh dậy, chị Điệp phát hiện bị mất 35.000 euro, 1.900 USD, 48 triệu đồng, 2 điện thoại iPhone cùng1 thẻ ATM. Tuy nhiên, sau khi điều tra, cơ quan công an kết luận chỉ là vụ trộm thông thường và số tài sản bị mất thực tế thấp hơn nhiều so với khai báo. Tiếp đó, công an phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vừa qua cho biết từng tiếp nhận trình báo của một du khách nước ngoài quốc tịch Nhật Bản về việc bị kẻ gian đánh thuốc mê để trộm tài sản.
Liên tục các vụ dùng thủ thuật để cướp tài sản xảy ra gần đây, gây hoang mang trong quần |
Theo tường trình của du khách này, vào khoảng 23h, khi đang đứng tại khu vực ngã ba phố Phủ Doãn - Ngõ Huyện, anh bị một phụ nữ đi ngược chiều cố tình xô vào. Ngay lúc đó, anh cảm thấy người choáng váng, hoa mắt tưởng mình bị cảm, anh tìm một chỗ ngồi lại, lúc tỉnh dậy mới biết mình bị mất toàn bộ tiền trong ví và điện thoại.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin trình báo, công an phường Hàng Trống đã nhanh chóng xác định được đối tượng gây án. Đối tượng nữ bị bắt đã khai nhận hành vi trộm cắp đối với du khách Nhật Bản này với sự trợ giúp của 2 người đàn ông. Qua đó, thị đã cố tình xô vào vị khách này để đánh lạc hướng tạo điều kiện cho đồng bọn móc túi du khách kể trên chứ không hề dùng thủ đoạn đánh thuốc mê.
Cũng trong thời gian trên, cơ quan công an các tỉnh: Lạng Sơn, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tiền Giang... liên tục nhận được phản ánh từ một số chủ tiệm vàng, chủ kinh doanh mặt hàng điện thoại, sim thẻ đến trình báo bị kẻ lạ mặt dùng "thuật thôi miên, đánh thuốc mê" để trộm, tráo tài sản.
Qua đơn trình báo của các nạn nhân trước khi bị trộm, cướp tài sản đều rơi vào trạng thái hoa mắt, chóng mặt, cả người mệt mỏi, mồ hôi toát ra nhiều, không làm chủ được hành vi, nhận thức... sau đó ngất xỉu tại chỗ. Song thực tế kết luận điều tra lại nhận định theo một hướng khác!
Hay chỉ là thủ đoạn cũ, nạn nhân mới
Trao đổi vấn đề này với BS. Nguyễn Hồng Hải - Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Bạch Mai cho biết: nếu nạn nhân bị ngấm thuốc mê, người ngoài có thể nhận thấy thông qua gương mặt của họ: nạn nhân có biểu hiện lờ đờ, gương mặt mệt mỏi, không tỉnh táo, nói những câu lơ ngơ, vô nghĩa. Hiện tại, thuốc gây mê có hai dạng phổ biến: thuốc dùng đường tiêm tĩnh mạch để khởi mê nhanh và thuốc gây mê bay hơi thể khí được dùng qua đường hô hấp để duy trì trạng thái mê.
Đối tượng Thiệp gây vụ trộm cắp tài sản của chị Vũ Hoàng Điệp tại cơ quan điều tra. |
Tuy nhiên, việc sử dụng khí để gây mê rất khó, đòi hỏi người sử dụng phải có kiến thức, bởi nếu không sẽ có nguy cơ bị... gục trước đối tượng muốn "nhắm đánh" khí mê. BS. Hải khẳng định, với những quy định nghiêm ngặt trong việc quản lý của Bộ Y tế, loại biệt dược này chỉ được dùng trong hệ thống y tế, có sự chỉ định và kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.
Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống cũng đã trao đổi trực tiếp với PGS.TS.DS. Nguyễn Hữu Đức - giảng viên chính Bộ môn Dược, Đại học Y dược TP.HCM xung quanh vấn đề này, được biết: Chỉ qua các lời khai của nạn nhân, không thể xác định đâu là nguyên nhân khiến cho nạn nhân rơi vào trạng thái mê muội, rồi đưa hết tài sản cho kẻ xấu.
Đồng thuận với ý kiến của BS. Hải, PGS.TS.DS. Nguyễn Hữu Đức khẳng định một lần nữa: Trước những quy định nghiêm ngặt về kiểm soát các loại thuốc gây mê của ngành y tế, tội phạm khó có khả năng tiếp cận những loại thuốc đặc biệt này.
Theo lời một điều tra viên từ Cục Điều tra hình sự, Bộ Công an: những vụ trộm cướp tài sản gây ồn ào trong dư luận gần đây không phải do thôi miên hay dùng thuốc mê mới mà chỉ là tin đồn thất thiệt. Bởi mọi hành động, ám thị trong thôi miên phải được thân chủ đồng ý và hợp tác với tinh thần thoải mái, tự nguyện, nếu không ám thị đó sẽ bị đẩy ngược trở lại.
Thực chất, khi thực hiện vụ án, bọn tội phạm đã lên kế hoạch chi tiết tiếp cận "con mồi". Chúng dành thời quan sát hoạt động của nạn nhân, khi tổ chức trộm cướp tài sản, chúng sẽ dùng chiêu cũ là tạo những tình tiết làm phân tán "con mồi" lợi dụng sơ hở để cho đồng phạm trộm cắp đồ. Vì thế, người dân cần tránh tâm trạng hoang mang, lo sợ trước những tin đồn thất thiệt về "thuật thôi miên, đánh thuốc mê" cướp tài sản đang bị kẻ xấu lợi dụng để truyền bá trong thời gian gần đây.