Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sự thật về "nhà tâm linh" từng bị điên xin xét tặng nghệ nhân ưu tú

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Qua điều tra của phóng viên, bà Hà chỉ xuất thân từ công nhân, sau một thời gian đi chợ bán hàng, rồi có biểu hiện của người thần kinh không bình thường.

(ĐSPL) - Thời gian gần đây, người dân vùng Mỏ bàn tán xôn xao về "nhà tâm linh" Nguyễn Thị Hà (SN 1962, số nhà 19, tổ 38, khu 6, phường Trưng Vương, TP. Uông Bí, Quảng Ninh) có tài đoán trước tương lai, thay đổi căn số và ban phát tài lộc.

Thế nhưng, qua điều tra của phóng viên, bà Hà chỉ xuất thân từ công nhân, sau một thời gian đi chợ bán hàng, rồi có biểu hiện của người thần kinh không bình thường và bây giờ thành "nhà tâm linh".

"Nhà tâm linh" tự nhận mình bị điên

Nhắc đến bà Hà xem bói ở Uông Bí, một số người dân ở đây tôn bà như một Thánh nữ. Người ta đồn rằng, bà Hà có thể xem đoán tương lai, có thể hóa giải tai ương, thay đổi căn số, đặc biệt có thể mở những khóa lễ cầu xin tài lộc, trình đồng mở phủ. Có rất nhiều khách ngoại tỉnh như Hà Nội, Nam Định, Thái Bình đã tìm đến nhờ bà Hà giúp đỡ. Trong số đó, có nhiều người đã trở thành con nhang, đệ tử thường xuyên của bà Hà.

Sự thật về "nhà tâm linh" Nguyễn Thị Hà sẽ không lộ ra nếu bà Hà không làm đơn xin đề nghị được xét tặng danh hiệu "nghệ nhân ưu tú". Trong bảng kê khai về lý lịch, bà Hà đã tự nhận mình từng bị tâm thần: "Năm 1980 (Canh Thân) đến năm 1981 (Tân Dậu) tôi mắc chứng tâm thần, bị điên dại, trong một giấc mơ, tôi nghe tiếng hát chầu văn văng vẳng bên tai và có người chỉ dẫn đến một bà bán khoai ở phường Quang Trung, thị xã Uông Bí (nay là TP.Uông Bí). Bà là Cù Thị Huấn (số nhà 286 tổ 25, khu 7, phường Quang Trung, TP.Uông Bí, Quảng Ninh)."

"Bà là người hát chầu văn đầu tiên cho tôi diễn xướng trong tư thế ngồi nghiêm trang, khăn phủ diện. Người đầu tiên mở khăn cho tôi diễn xướng là ông Đệ Ngũ Tuần Tranh. Giá đồng thứ hai là Bà Chầu Lục. Từ đó, hàng năm, tôi đều bắc ghế hầu diễn xướng. Theo thứ tự từ Tam Tòa Thánh Mẫu đến giá ông Trần Triều, giá Chúa đến hết các vị Thánh", bà Hà thú nhận, mình học hát chầu văn từ một bà... bán khoai.

Chân dung bà Nguyễn Thị Hà.

Năm 1995, bà Hà về chùa Yên Tử gặp đại đức Thích Minh Trí, am trụ tại chùa Yên Tử. Theo lời bà Hà, đại đức đã giúp bà được an bản mệnh, cúng khóa đàn, mở phủ trình đồng. Sau 10 năm, bà Hà được cấp sắc cho hầu Thánh. "Từ đó đến nay, tôi vẫn duy trì nghệ thuật trình diễn và ngày càng phát triển cao hơn so với lòng mong mỏi của tôi là bảo tồn đạo Thánh Mẫu Việt Nam", bà Hà nói với phóng viên.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, bà Hà đã lợi dụng việc hát chầu văn để xem bói, trình đồng, mở phủ khoảng chục năm nay ở Uông Bí. Đây là hoạt động trục lợi chứ không phải là việc lưu giữ và bảo tồn nghệ thuận diễn xướng dân gian. Bởi mỗi lần mở giá đồng, khóa lễ cũng tốn kém hàng chục triệu đồng. Đấy là chưa kể, việc bà được các con nhang, đệ tử thường xuyên cung tiến tiền bạc, lễ lạt. Được biết, những vật phẩm, tiền bạc này đều được vin vào lý do "tùy tâm". Vị khách nào chịu chi nhiều tiền thì sẽ được bà Hà "chăm sóc" chu đáo hơn.

Bất ngờ... thành thần thánh

Để làm rõ những uẩn khúc về người đàn bà điên mở phủ, chúng tôi tìm đến gặp ông Phạm Văn Phước, Khu trưởng khu phố 6, phường Trưng Vương. Ông Phước cho biết, bà Hà hành nghề xem bói khoảng chục năm nay. Trước đây, bà Hà cư trú tại phường Quang Trung, sau đó chuyển về sống tại phường Trưng Vương. "Bà Hà là một nữ công nhân cũ của tôi (ông Phước là Đội trưởng - PV) tại xí nghiệp xây dựng 18. Sau đó, bà Hà nghỉ theo chế độ 176 (hưởng chế độ lĩnh lương một lần - PV). Lý do nghỉ chế độ là bà Hà bị tai nạn", ông Phước nói.

Theo người dân địa phương, cuộc đời bà Hà cũng lắm bất hạnh. Bà từng có hai đời chồng. Mỗi người chồng để lại một đứa con. Sau một thời gian làm việc ở xí nghiệp Xây dựng 18, bà Hà bị tai nạn gãy xương đùi, rồi từ đó bà bỏ luôn công việc. Bà Hà từng có thời gian đi chợ bán rau quả kiếm sống. Thế rồi trong một giấc mơ, bà "khoe" được thần linh chỉ lối đến gặp một bà bán khoai để học hầu đồng. Trong khi dân làng còn ngơ ngác trước những biểu hiện bất thường của bà Hà, thì bỗng thấy bà tổ chức xem bói. Lúc đầu, người dân thấy bà xem cho vài ba người. Chẳng biết đúng sai thế nào, người xem bói kéo đến càng đông. Thế rồi, bà mua đất, xây nhà và mở phủ.

Trao đổi với chúng tôi về việc bà Hà hoạt động xem bói, trình đồng mở phủ thu tiền tại địa phương, mới đầu ông trưởng khu phố chỉ nhận xét chung chung như bà Hà vẫn thực hiện các quy định trong thôn, còn việc trình đồng mở phủ thì khu phố không quản lý. "Chúng tôi không nắm rõ mỗi lần xem bói, trình đồng mở phủ thì bà lấy bao nhiêu tiền. Chúng tôi chỉ biết được mỗi lần hầu đồng cũng thấy con nhang đệ tử, loa đài, có văn hát, đốt vàng mã. Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý là bên cán bộ văn hóa", ông Phước nói.

Tính đến thời điển hiện nay, bà Hà đã có "thâm niên" hàng chục năm hành nghề bói toán, tâm linh. Trong cuộc đời hành nghề của bà cũng có một nghịch lý, lúc mới nổi thì có rất nhiều con nhang đệ tử khắp nơi tìm đến cầu cúng, lễ bái, càng về sau thì khách càng thưa dần. Nhiều "khách" thấy bà bói không chuẩn, đã chuyển đi chỗ khác, thậm chí chuyển sang thầy P. hay thầy L. ở gần đây", ông N.T.L. cùng khu cho biết.

Không biết có phải do ít khách hay muốn dựa hơi vào "nghệ nhân ưu tú" để dễ bề hoạt động? Thế nhưng, việc đề nghị công nhận "nghệ nhân ưu tú" của bà Hà cũng có rất nhiều điều "kỳ lạ". Trong một buổi họp tại phường Trưng Vương có mặt các lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Văn hóa thị xã và lãnh đạo UBND phường, một vị cán bộ phường Trưng Vương cho biết: "Khi thành phố đề nghị phường chứng nhận để xét duyệt nghệ nhân ưu tú cho bà Nguyễn Thị Hà thì địa phương hết sức ngỡ ngàng". "Theo thông lệ, để xét duyệt một nghệ nhân ưu tú thì cấp dưới phải có danh sách trình lên cấp trên chờ xét duyệt. Tuy nhiên, trường hợp bà Hà, lại có ý kiến từ trên xuống, cấp dưới đành... chiều theo”, ông Phước nói.

Tuy nhiên, ông Phước cho rằng, bà Hà chưa xứng đáng là "nghệ nhân ưu tú". Làm nghệ nhân ưu tú thì làm sao có chuyện hầu đồng với giá đắt như vậy? Bởi người làm văn hóa dân gian chỉ là lưu giữ và bảo tồn văn hóa chứ không phải vì tiền.

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch Hội Văn hóa Dân gian tỉnh Quảng Ninh. Ông Vinh cho biết: "Tôi có nắm được chuyện bà Hà viết đơn đề nghị được xét duyệt "nghệ nhân ưu tú". Trong bản kê khai của bà Hà có ghi rõ đã từng bị điên. Tuy nhiên, việc xét duyệt dựa trên rất nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố về số lượng học trò quá ít và số phiếu bầu không đủ nên bà Hà chưa được xét duyệt nghệ nhân ưu tú".

Bà Hà không xứng được gọi là nghệ nhân văn hóa

"Theo tôi bà Hà chưa xứng đáng là nghệ nhân ưu tú, bởi nghệ nhân về văn hóa phải có trách nhiệm lưu giữ và bảo tồn văn hóa chứ không phải lợi dụng văn hóa để thực hiện những canh hầu đồng để thu vài chục triệu đồng", một người dân địa phương (xin giấu tên) cho biết.

Tin nổi bật