(ĐSPL) – Một vụ thương lượng, đưa và nhận hối lộ đã diễn ra ngay tại trụ sở Đội kiểm lâm cơ động số 1 thuộc Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa. Hành trình phát hiện, bắt giữ xe chở gỗ của tổ kiểm lâm và sự có mặt bất ngờ của lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48) đã vén bức màn bí mật liên quan đến 100 triệu đồng vứt lại trong chậu cây cảnh và những lá đơn tố cáo việc “làm tiền” trắng trợn của lực lượng kiểm lâm đơn vị này.
Từ “khai tử” những chuyến hàng
Tối 31/7/2014, nhận được tin báo xe ô tô mang BKS: 37C-060.12 vận chuyển gỗ trái phép đang lưu thông trên quốc lộ 1A, hướng Nghệ An – Thanh Hóa, tổ công tác đội Kiểm lâm cơ động số 1 thuộc chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã triển khai kế hoạch kiểm tra, bắt giữ xe chở gỗ này.
Đến sáng ngày 1/8, tổ công tác gồm 6 người, do ông Lê Đức Hải (SN 1979) là Trạm trưởng trạm Kiểm lâm thuộc đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 làm tổ trưởng, phát hiện chiếc xe chở gỗ mang BKS: 37C-060.12 tại khu vực cầu Sông Lý, thuộc địa bàn huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe có 22m3 gỗ cẩm lai và 20 tấm gỗ xẻ giáng hương (cả hai loại hỗ này đều thuộc nhóm 1). Tuy nhiên, khi được hỏi về giấy tờ để kiểm tra, tài xế chỉ xuất trình được một bộ hồ sơ, kèm theo 9 tờ bảng kê lâm sản do Hạt kiểm lâm TP. Vinh (Nghệ An) kiểm tra, xác nhận gỗ vận chuyển là gỗ cẩm lai; không có gỗ giáng hương. Ngay sau đó, tổ công tác đã yêu cầu tài xế đưa về trụ sở đội Kiểm lâm cơ động số 1, đóng tại số 305A đường Bà Triệu, phường Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa để xử lí.
Đến 14h cùng ngày, một người tên Nguyên đến trụ sở Đội kiểm lâm cơ động số 1 trình báo. Nguyên tự nhận là chủ của số gỗ trên xe ô tô mang BKS: 37C-060.12. Tại đây, Nguyên cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số gỗ giáng hương. Do đó, tổ công tác đã thu hồi và lập biên bản kiểm kê số gỗ này.
|
Lực lượng chức năng kiểm tra số gỗ bất hợp pháp
|
Trước đó, một số thông tin cho rằng, các điều tra viên cải trang thành các hành khách ngồi trên một chiếc xe khách mang BKS của một tỉnh phía Nam (65L-2894) là không chính xác. Khi lực lượng kiểm lâm kiểm tra, trên chiếc xe tải mang BKS: 37C – 060.12 cũng không có động vật hoang dã như thông tin phản ánh.
Đến “làm tiền” trắng trợn
Tại trụ sở làm việc của đội Kiểm lâm cơ động số 1, ông Lê Đức Hải đã “vòi” chủ hàng phải đưa 100 triệu đồng cho tổ công tác “giải quyết” vụ việc êm xuôi. Và, chủ hàng đã đồng ý với đề nghị này của Hải.
Khoảng 15 phút sau, trong lúc ông Hải đang thực hiện “giao dịch”, lực lượng trinh sát (C48) ập vào, bắt quả tang. Để tiêu hủy chứng cứ phạm tội, Hải đã tháo chạy lên tầng hai của trụ sở, sau đó vứt số tiền vừa nhận (100 triệu đồng, mệnh giá 500.000 đồng) tại chậu cây cảnh đặt.
Nhận được thông tin, Công an tỉnh Thanh Hóa đã điều động hàng chục cảnh sát cơ động, cảnh sát 113, cảnh sát kinh tế đến bao vây bảo vệ hiện trường, đồng thời tránh tình trạng mất an ninh xảy ra khi người dân quá khích.
Từ 18h30 ngày 1/8 đến khoảng gần 1h ngày 2/8, C48 (Bộ Công An) đã phối hợp với cơ quan chức năng Thanh Hóa tiến hành làm việc và lập biên bản bắt giữ Lê Đức Hải.
Tại trụ sở, công an đã kiểm tra tủ cá nhân của ông Lê Đức Hải, thu giữ 10 triệu đồng tiền mặt. Đồng thời, lực lượng chức năng kiểm tra, niêm phong và thu giữ toàn bộ hồ sơ xử lý vi phạm hành chính lưu tại phòng xử lý của đội Kiểm lâm cơ động số 1 từ ngày 1/4/2014 đến 31/7/2014.
Với các chứng cứ thu thập được, Lê Đức Hải cùng các kiểm lâm viên liên quan được yêu cầu đến trụ sở Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục làm việc.
Đến khoảng 5h sáng 2/8, các kiểm lâm viên trong tổ được cơ quan công an cho về. Riêng ông Lê Đức Hải, bị giữ lại để điều tra; số tiền thu giữ cùng toàn bộ hồ sơ được niêm phong trước đó, C48 đưa về Hà Nội để phục vụ điều tra.
Ngoài ra, xe ô tô mang BKS: 37C 06012 cùng toàn bộ số gỗ trên xe được đưa về trụ sở Công an tỉnh Thanh Hóa để điều tra, làm rõ nguồn gốc xuất xứ.
|
Công an làm việc với chủ xe hàng tại trụ sở kiểm lâm
|
Ông Lê Quốc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cho biết: "
Hiện nay, chi cục đã thành lập một tổ công tác đột xuất để kiểm tra và xác minh, đồng thời yêu cầu các kiểm lâm viên liên quan đến vụ việc nói trên viết bản tưởng trình để chi cục có cơ sở báo cáo với các ngành chức năng. Thông tin sơ bộ ban đầu, chúng tôi cũng chỉ mới nắm được như vậy. Còn vụ việc hiện nay vẫn đang được cơ quan công an điều tra làm rõ".
Ông Việt cũng chia sẻ thêm, điều khiến ông suy nghĩ là tại sao số lượng gỗ xẻ giáng hương (ước khoảng hơn 1m3) giá trị tương đương chỉ khoảng 35 – 40 triệu đồng nhưng tại sao chủ hàng lại chấp nhận bỏ ra 100 triệu để “hối lộ” kiểm lâm!?.
Được biết, việc bắt Lê Đức Hải thông qua một kế hoạch chuyên án của C48. Có nhiều chủ hàng đã tố cáo đơn vị lực lượng kiểm lâm Thanh Hóa nhiều lần sách nhiễu, gây khó khăn, buộc họ phải chung chi… Sau sự việc này, những lá đơn tố cáo liên quan đến hành vi “vòi tiền” công khai của Đội Kiểm lâm cơ động 1, Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa đã không còn là chuyện ít ai biết.
Kiểm lâm “bẫy” lái xe? Trước đó, anh Phạm Duy Hưng (SN 1970, trú tại Hà Nam, một lái xe từng bị Đội Kiểm lâm cơ động số 1 Thanh Hóa yêu cầu dừng xe kiểm tra) đã tố cáo với PV báo ĐS&PL về việc đơn vị này cố tình cài bẫy, gây sách nhiễu, ép nhà xe làm luật. Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác của đơn vị này phát hiện trên xe của anh Hưng có 03 cá thể tê tê Java (nhóm IIB), với trọng lượng 18kg, không có thủ tục, nguồn gốc chưa rõ ràng. Ngay sau đó, xe của anh Hưng được “hộ tống” về trụ sở kiểm lâm để xử lí… Tuy nhiên, cách giải quyết vụ việc của đội kiểm lâm cơ động số 1 Thanh Hóa khiến tài xế nghi ngờ mình bị cài bẫy. Anh Hưng nghe phong phanh rằng, những con Tê tê này sau khi bị xử lý thì lại sẽ quay vòng để lên xe ô tô khách khác?! Không riêng anh Hưng, nhiều lái xe khác cũng rơi vào cái “bẫy” tương tự được cho là do đội Kiểm lâm cơ động số 1 Thanh Hóa lập ra. Thậm chí, đã có những cuộc “ngã giá” công khai một cách trắng trợn giữa chủ xe và cán bộ kiểm lâm tại chính trụ sở của đơn vị này.
|