Theo thông tin từ SaoStar, một vụ việc gây sốc vừa xảy ra tại thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), khi hình ảnh một chiếc xe ô tô “mắc kẹt” trên thân cây cao thu hút sự chú ý lớn trên mạng xã hội.
Theo các trang tin địa phương, vụ việc bắt đầu từ đoạn video lan truyền nhanh chóng trên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc. Trong video, một chiếc ô tô con bị mắc kẹt giữa tán cây, với thông tin rằng người điều khiển là một học viên nữ đang trong buổi học thực hành. Cảnh tượng kỳ lạ này khiến không ít người kinh ngạc và đặt câu hỏi: “Làm sao xe có thể lên tới đó?”
Không lâu sau, đoạn video trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận. Một số người chỉ trích gay gắt, cho rằng học viên như vậy không nên được cấp bằng lái vì tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn nghiêm trọng. Trong khi đó, cũng có nhiều ý kiến hoài nghi cho rằng đây có thể là một “cú lừa truyền thông”, được dàn dựng để thu hút sự chú ý.
Chiếc xe ô tô “mắc kẹt” trên thân cây cao thu hút sự chú ý lớn trên mạng xã hội. Ảnh: Weibo.
Tuy nhiên sau đó, các cơ quan quản lý Internet chú ý đến video này nên vào cuộc điều tra. Họ nhanh chóng phát hiện ra rằng đây chỉ là "cảnh quay dàn dựng có chủ đích" của trường dạy lái xe nhằm thu hút khách hàng.
Cơ sở đào tạo lái ô tô này nằm gần một khu công nghiệp ở huyện Trường Ninh, thành phố Nghi Tân. Do có đến ba trường dạy lái xe khác ở gần đó nên cuộc cạnh tranh để tuyển sinh rất khốc liệt. Trước áp lực lớn, đội ngũ nhân viên của trường nảy ra ý tưởng dùng cách tạo nội dung sai sự thật để thu hút thêm nhiều người đăng ký học.
Người điều khiển cần cẩu cũng xác nhận: “Tôi chỉ thực hiện đúng yêu cầu từ phía trường dạy lái xe, đó là đưa xe lên cây để phục vụ quay phim.”
Theo VTC News, sau khi thẩm vấn và điều tra, các sở, ngành liên quan cho biết ngoài việc phát tán video quay cảnh dàn dựng, trường dạy lái xe trên còn vi phạm các quy định pháp luật của Trung Quốc về an toàn trong quá trình nâng ô tô lên cao để quay phim. Người phụ trách và nhân viên liên quan đến việc này bị triệu tập thẩm vấn.
Hiện tại, chính quyền đã triệu tập đại diện nhà trường đến làm việc, yêu cầu xóa bỏ video trên mạng và đang xem xét hình thức xử phạt thích đáng. Nguyên nhân chi tiết và mục đích thực sự phía sau vẫn đang tiếp tục được điều tra làm rõ.