Môi trường trên sao Hoả có thể khắc nghiệt tương tự như sa mạc Atacama ở Chile, địa điểm nổi tiếng là nơi khô nhất trên Trái đất.
Nghiên cứu sa mạc Atacama có thể giúp nhân loại có cái nhìn rõ hơn về môi trường sống trên sao Hoả? Ảnh: ESO |
Sa mạc Atacama ở phía Bắc Chile là nơi khô nhất trên Trái đất, các sinh vật sống rất nghèo nàn, thưa thớt. Tuy nhiên, một cái nhìn sâu hơn về cuộc sống của vi sinh vật trên sa mạc rộng lớn, nóng bỏng có thể cung cấp manh mối về cách vi khuẩn lây lan trên bề mặt sao Hỏa.
Atacama từ lâu đã đóng vai trò là địa điểm duy nhất trên Trái đất tương tự môi trường khắc nghiệt của sao Hỏa và các nhà khoa học thường sử dụng sa mạc này để nghiên cứu khả năng tồn tại sự sống trên Hành tinh Đỏ. Một nghiên cứu gần đây cho thấy có các vi khuẩn di chuyển trong những hạt bụi trên sa mạc Atacama, được gió mang đến từ các địa điểm xa xôi.
"Chúng tôi muốn xem vi sinh vật đến nơi này như thế nào, bắt đầu từ đâu", ông Armando Azua-Bustos, một nhà khoa học nghiên cứu tại Khoa Địa chất và Môi trường sống ở Trung tâm Sinh vật học Madrid và tác giả của nghiên cứu nói với Space. Ông Azua-Bustos cho biết ông coi sa mạc là ngôi nhà thời thơ ấu của mình, vì ông đã lớn lên và sống ở miền Bắc Chile trong suốt 20 năm - lợi thế hàng đầu so với các nhà nghiên cứu khác về Atacama.
Mặc dù đã dành nhiều năm nghiên cứu sa mạc và ý nghĩa của nó đối với sao Hỏa, ông Azua-Bustos nói rằng những phát hiện trong nghiên cứu gần đây nhất vẫn khiến ông ngạc nhiên. "Ở một nơi nổi tiếng vì chứa lượng vi khuẩn sống rất thấp, tôi nghi ngờ rằng chúng ta sẽ không thể tìm thấy nó ở khắp sa mạc", ông nhận định.
Nhóm các nhà khoa học đã thu thập 23 loài vi khuẩn và 8 loài nấm từ 3 địa điểm lấy mẫu trên 2 vùng của Atacama. Sau đó, họ phát hiện ra rằng một số loài vi khuẩn và nấm được thu thập có nguồn gốc từ vùng ven biển Thái Bình Dương và có thể đã được đưa đến Atacama bằng gió. Các phát hiện cho thấy rằng sự sống của vi sinh vật trên thực tế có thể di chuyển trên vùng khô hạn nhất của sa mạc một cách hiệu quả và lan rộng trên bề mặt của một khu vực tương tự như vậy.
"Chúng tôi nhận ra rằng cuộc sống đang sử dụng bụi như một phương tiện giao thông, được điều khiển bởi gió", ông Azua-Bustos so sánh.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự sống của vi sinh vật trên sao Hỏa cũng có thể lan rộng ra khoảng cách lớn, bất chấp sự khô hạn khắc nghiệt của hành tinh, qua những cơn gió và bão bụi bao phủ toàn bộ bề mặt. Ngoài ra, loài người cũng có thể đã gửi các vi khuẩn từ Trái đất tới sao Hỏa thông qua các tàu đổ bộ và tàu vũ trụ khác nhau khám phá Hành tinh Đỏ.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Space)