Tàu thăm dò Curiosity của NASA đã nhiều lần phát hiện khí mê-tan trên sao Hỏa, gần đây nhất là vào tháng 6 nhưng các nhà khoa học không biết được nguồn gốc.
Nguồn gốc của khí mê-tan trên sao Hoả có thể giúp phát hiện sự sống. Ảnh: NASA |
Trong vài năm qua, Curiosity của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thường xuyên phát hiện khí mê-tan trong không khí trên sao Hoả. Phát hiện mới nhất được ghi nhận hồi tháng 6/2019 cho thấy mức khí trong Miệng núi lửa của Hành tinh Đỏ tăng vọt lên 21 phần tỷ mỗi đơn vị thể tích (ppbv).
Các nhà khoa học không biết khí mê-tan này được tạo ra từ đâu, hoặc chính xác nó đến từ đâu nhưng họ rất muốn tìm hiểu, bởi vì khí là một dấu hiệu cho thấy có khả năng tồn tại sự sống trên hành tinh này. Trên thực tế, hơn 90% khí mê-tan trong không khí của Trái đất được tạo ra bởi các vi khuẩn và sinh vật khác.
Một nghiên cứu gần đây có thể giúp các chuyên gia thu hẹp phạm vi. Các nhà khoa học đã ước tính hàm lượng mê-tan của các loại đá trên Hành tinh Đỏ bằng cách phân tích thiên thạch trên sao Hỏa, so sánh với đá bazan và đá trầm tích bản địa trên Trái đất. Sau đó, nhóm nghiên cứu tính toán và cho rằng lượng khí mê-tan này có thể được giải phóng bằng cách “quét gió” - hình thức xói mòn chủ yếu trên sao Hỏa hiện đại. Hành tinh Đỏ đã lưu trữ các khối nước mặt ổn định trong hơn 3 tỷ năm.
Tuy nhiên, để xói mòn gió tạo ra lượng khí mê-tan trong không khí của sao Hỏa, những tảng đá bị quét sẽ phải chứa nhiều khí mê-tan như những lớp đá phiến giàu hydrocarbon nhất trên Trái đất. Đó là một kịch bản rất khó xảy ra. "Điều quan trọng về phát hiện này là nó củng cố lập luận rằng khí mê-tan phải đến từ một nguồn khác", đồng tác giả Jon Telling, nhà địa lý học tại Đại học Newcastle cho biết trong một tuyên bố. "Có hay không đó là nguồn gốc sinh học, chúng tôi vẫn chưa biết".
Thật vậy, khí mê-tan cũng có thể được tạo ra từ các phản ứng liên quan đến nước nóng và một số loại đá nhất định. Và không rõ liệu khí mê-tan được phát hiện bởi Curiosity là hiện đại hay đã tồn tại từ thời cổ đại. Tuy nhiên, ban đầu khi được tạo ra, khí mê-tan có thể đã bị giữ lại dưới lòng đất trong hàng tỷ năm trước khi sủi bọt lên bề mặt.
Nguyên nhân của sự “trồi lên” của mê-tan "vẫn còn là một câu hỏi mở", tác giả chính của nghiên cứu Emmal Safi từ Trường Khoa học Tự nhiên và Môi trường thuộc Đại học Newcastle tiết lộ. "Báo cáo của chúng tôi chỉ là phần nhỏ của một câu chuyện lớn hơn nhiều", cô nói thêm. "Cuối cùng, những gì chúng ta đang cố gắng khám phá là liệu có khả năng tồn tại sự sống trên các hành tinh khác ngoài Trái đất, hiện đang sống hoặc có thể là cuộc sống trong quá khứ được bảo tồn dưới dạng hóa thạch hoặc chữ ký hóa học".
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Space)