Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sự khác biệt thú vị về tục cúng ông Công ông Táo của người dân 3 miền

(DS&PL) -

Vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hằng năm, các gia đình Việt lại chuẩn bị lễ vật để tiễn đưa ông Công ông Táo về trời.

Vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hằng năm, các gia đình Việt lại chuẩn bị lễ vật để tiễn đưa ông Công ông Táo về trời. Tùy theo từng vùng miền mà lễ cúng Táo quân có những điều khác biệt.

Lễ cúng ông Công ông Táo của người miền Bắc

Ở miền Bắc, có lẽ nét đặc trưng văn hóa khác biệt nhất với 2 miền còn lại trong lễ cúng ông Công ông Táo này chính là việc dùng cá chép làm đồ cúng lễ. Cá chép ở đây có thể là cá chép sống, cũng có thể là cá chép giấy, tùy theo từng gia đình mà có điểm khác biệt.

Người dân thường làm lễ cúng ông Táo từ khá sớm, không nhất thiết phải vào đúng ngày 23 tháng Chạp mà có thể bắt đầu từ ngày 20, muộn nhất là trưa ngày 23.

Người miền Bắc ít nơi làm lễ cúng Táo quân vào chiều tối 23 tháng Chạp bởi người ta quan niệm rằng từ 12h trưa ngày 23, các Táo phải bay về thiên đình làm lễ chầu với Ngọc Hoàng, không còn ở dương gian để nhận lễ được nữa.

Trong mâm cỗ cúng Táo quân của người miền Bắc không thể thiếu bộ áo mũ các Táo và cá chép. Tùy theo từng địa phương, từng gia đình mà số lượng cá có sự sai khác. Có nhà chỉ dùng 1 con, trong khi có nhà lại cúng tới 3 con cá chép vàng.

Cá chép còn sống được đặt bên cạnh mâm lễ vật, sau khi làm lễ xong sẽ được gia chủ đem thả phóng sinh ở nơi sông suối, ao hồ với ngụ ý để cá chép hóa rồng, làm phương tiện đưa các Táo về trời. Ngoài ra, việc phóng sinh cá còn thể hiện tấm lòng nhân đức, muốn tích đức hành thiện của gia chủ.

Mâm cỗ cúng Táo ở miền Bắc cầu kì nhất trong ba miền với đủ các món ăn truyền thống như xôi, gà, giò chả, canh măng, nem… Đặc biệt, trong mâm cỗ cúng Táo ở nhiều địa phương vùng Bắc Bộ thường sẽ có xôi chè, thường là chè bà cốt, nấu bằng nếp cái, xôi vò, đường nâu và gừng. Chè có vị ngọt ấm, tượng trưng cho mong muốn các Táo về trời nói giúp gia chủ những điều tốt đẹp, ngọt ngào với Ngọc Hoàng.

Cúng bái, đốt vàng mã, thả cá xong xuôi, người dân sẽ thay 3 ông đầu rau (kiềng, lò bếp) trong bếp bằng cách thả xuống ao, hồ, sông, suối rồi thay bộ mới vào bếp. Việc dọn bàn thờ cũng được tiến hành ngay trong ngày 23 tháng Chạp hoặc vài ngày sau đó, miễn là trước lễ Giao thừa.

Lễ cúng ông Công ông Táo của người miền Trung

Ông Táo trong văn hóa Huế và một số tỉnh lân cận cũng có vị trí cực kì quan trọng khi mà người dân vừa thờ ông Táo trên Trang Ông, vừa lập bàn thờ nhỏ ở bếp.

Cứ mỗi 30, mùng 1, ngày 14 và ngày rằm hàng tháng, gia chủ sẽ dâng lễ cúng ông Táo với hoa quả, nhang đèn. Đặc biệt, người phụ nữ miền Trung nết na hiền thảo luôn được căn dặn phải giữ cho bếp núc sạch sẽ, gọn gàng và yên tĩnh.

Chính vì thế mà lễ tiễn ông Táo về trời ở vùng miền này ngày 23 tháng Chạp cũng vô cùng trọng thể. Người dân Huế thường đốt vàng mã và dâng cúng nhiều lễ vật cho các Táo.

Ông Táo cũ được tiễn khỏi bàn thờ bếp và đặt bên cạnh các am miếu hoặc gốc cổ thụ cạnh ngã ba đường, gia chủ làm lễ rước ông Táo mới về nhà. Tượng ba ông Táo mới cũng được rước lên bàn thờ để gia chủ dễ bề hương khói.

Mâm cỗ cúng ông Táo của người miền Nam không thể thiếu những món này - Ảnh: Minh họa

Lễ cúng ông Công ông Táo của người miền Nam

Do có sự giao thoa văn hóa nên mâm cúng của người miền Nam cũng có sự tương đồng với người miền Bắc. Ngoài những món chủ đạo như: Nem, giò, bánh chưng, hành muối, gà luộc... người miền Nam có thêm một đĩa đậu phộng, kẹo vừng đen và một bộ “cò bay, ngựa chạy”.

“Cò bay, ngựa chạy” là hình con cò và con ngựa cắt bằng giấy, không làm có khung tre cầu kỳ. Tết Táo quân trong Nam không có tục trút lư nhang để thay cọng nhang, không mua cá chép thả trong chậu rồi thả sông, không hóa vàng áo mũ thờ, vì không thờ áo mũ. Một số nơi còn nấu thêm chè xôi hoặc nếu không thì chỉ là mâm trái cây đơn giản.

Quỳnh Chi  (T/h)

Tin nổi bật