Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sự hồi sinh kỳ diệu của người vợ bị chồng thiêu sống bỏng đến 92% cơ thể

(DS&PL) -

Bị bỏng đến 92% cơ thể, nhiều người nghĩ chị Ngân sẽ không qua khỏi. Thế nhưng, tình yêu thương dành cho các con đã giúp chị vượt qua tất cả.

Bị bỏng đến 92% cơ thể, nhiều người nghĩ chị Ngân sẽ không qua khỏi. Thế nhưng, tình yêu thương dành cho các con đã giúp chị vượt qua tất cả.

Quá khứ ám ảnh

Cuộc đời chị Lê Thị Kim Ngân (34 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) có thể nói là một chuỗi những sóng gió. Thời con gái, chị yêu rồi lấy một người đàn ông không yêu thương mình. Chung sống được ít năm, chồng bỏ đi, bỏ mặc chị bơ vơ. Sau đó chị gặp và trở thành vợ của người đàn ông mà sau này đẩy cuộc đời chị vào bi kịch.

Chị kể, chồng chị bị bệnh lao phổi nặng, chẳng thể phụ giúp gì cho vợ. Đã thế, anh còn cá độ bóng đá dẫn đến nợ nần chồng chất. Nghĩ quẩn, vào một đêm tháng Ba của 2 năm về trước, anh tưới xăng, châm lửa thiêu căn nhà để cùng vợ con quyên sinh. Ngọn lửa bao trùm căn phòng. Cơ thể chị thành ngọn đuốc sống. Chị chia sẻ: “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến 2 con. Tôi cố tìm chìa khóa, mở cửa, đưa 2 con ra ngoài rồi ngất lịm. Lúc tỉnh lại, tôi đã nằm trong bệnh viện, người quấn kín băng trừ đôi mắt. Tôi bị bỏng đến 92%”.

Lúc đó không ai dám tin chị sẽ thoát khỏi cửa tử. Thế nhưng, tình yêu thương vô bờ bến dành cho 2 cậu con trai đã giúp chị từng bước hồi sinh cuộc đời. “Những lúc thay băng hay phẫu thuật cấy ghép da... tôi đau đớn vô cùng. Nhìn thấy mình bị hủy hoại, tôi uất hận, nhiều lúc muốn từ bỏ cuộc đời này. Nhưng rồi tôi nghĩ đến con, chúng cần tôi bảo bọc, chăm sóc”, chị tâm sự.

Sau vụ việc chị được chuyển từ Phú Yên vào TP.HCM điều trị. Suốt 1 tháng nằm viện, gần như đêm nào chị cũng gặp ác mộng về khung cảnh căn nhà cháy rụi đêm hôm đó.

Ra viện, người thân đóng một thanh sắt sát tường để chị vịn vào, tập đi từng bước như đứa trẻ. Nhiều lần vấp ngã không có ai đỡ, vết thương khắp người rỉ máu, đụng vào chỗ nào cũng đau, chị chỉ còn cách tự mình đứng dậy. Suốt 4 tháng đầu sau khi xuất viện, mọi sinh hoạt của Ngân đều phải nhờ người thân.

Thương mẹ, hai cậu con trai (đứa 9 tuổi, đứa 6 tuổi) cũng tập tành đi chợ, nấu những món ăn đơn giản hay cùng nhau đỡ mẹ đi vệ sinh. Lần đầu tiên sau khi bị bỏng Ngân bước được một đoạn ngắn đúng lúc hai con vừa đi học về. Chứng kiến cảnh đó 2 đứa đã chạy vào ôm chầm lấy mẹ reo mừng.

Chị Ngân hài lòng, hạnh phúc với những gì đang có. (Ảnh: VnExpress)

Nghị lực và sự hồi sinh

Suốt thời gian dài chị luôn dằn vặt bản thân, căm giận người đàn ông đã đẩy mình vào thảm kịch. Thế nhưng, sau lần vào thăm chồng trong trại giam, thấy chồng cũng bị bỏng, cúi mặt khóc, không dám nhìn vào mắt chị, những oán hận bấy lâu bỗng tan biến. Chị nhận ra nếu cứ giữ mãi nỗi đau ấy thì mình và các con sẽ mãi bị bóng ma quá khứ đè nặng. Hôm sau, chị âm thầm làm đơn xin giảm án cho chồng dù gia đình muốn người đàn ông này phải chịu hình phạt cao nhất.

“Sau khi gửi đơn và biết nhờ lá đơn ấy anh ta chỉ phải chịu hình phạt 16 năm tù, tôi cảm thấy lòng nhẹ nhõm, thảnh thơi. Tôi ngủ ngon và không bị những hình ảnh ghê rợn từ vụ cháy ám ảnh nữa”, chị nói.

Tuy nhiên việc bị ngọn lửa hủy hoại toàn bộ nhan sắc, dáng hình khiến chị phải nhận về những ánh nhìn hiếu kỳ, soi mói. Hai con của chị cũng ám ảnh vụ cháy và thường xuyên bị mọi người “nhắc lại chuyện cũ”. Để bảo vệ con, đêm 27 Tết năm ngoái, chị dắt theo 2 con rời quê, đón xe vào TP.HCM.

"Dưới ánh đèn đường, mưa lất phất, nhìn hai con ngủ gục cạnh vali tôi chợt nhớ về ngày mình vào Sài Gòn ở đợ năm 11 tuổi, cũng khung cảnh y như thế này. Từ một đứa trẻ ở đợ, tôi trở thành một thợ may rồi một bà chủ tiệm quần áo, hai tiệm Internet, mua được đất, dựng nhà. Tôi nghĩ chỉ cần mình khỏe, mình nhất định sẽ tìm lại được những gì đã mất", người phụ nữ trải lòng.

Sau Tết, chị xin cho 2 con đi học rồi kiếm kế sinh nhai. Xin vào làm trong một xưởng may gần nhà nhưng ngọn lửa đã làm đôi tay biến dạng, co quắp nên làm việc rất khó khăn, không năng suất. Chị xin nhận hàng về nhà may. Dẫu vậy, vẫn không kiếm đủ tiền trang trải chi phí sinh hoạt. Vì thế, chị học bán vé máy bay, bán hàng online.

Thấy nhiều người lên Facebook vừa hát vừa bán hàng, chị rủ thêm vài người bạn khiếm thị hát hay đến livestream, vừa hát vừa quảng cáo sản phẩm. Nhưng có nhiều ngày, họ hát suốt mấy tiếng mà chẳng bán được gì. Thậm chí nhiều người còn để lại bình luận ác ý, miệt thị ngoại hình. "Trước đây tôi có tất cả nhưng trong một giây tôi mất trắng. Chết đi sống lại, tôi thấy cuộc sống vô thường lắm nên những bình luận đó không làm tôi buồn. Tôi thấy thương, đồng cảm hơn với những người bạn khuyết tật của mình", Ngân tâm sự.

Trời không phụ lòng người, cuộc sống của 3 mẹ con chị dần đi vào ổn định. Sau đó chị Ngân quyết định mở một cửa tiệm nho nhỏ. "Cửa tiệm này là bước đệm để thêm thời gian nữa, tôi sẽ rủ những người bạn khuyết tật, khiếm thị của mình về đây làm nghề xoa bóp. Bạn nào hát hay sẽ lên livestream bán sản phẩm", chị cho biết.

Căn nhà nhỏ trên Quốc lộ 22, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi chỉ đủ đặt vài chiếc kệ bày bán các sản phẩm dầu xoa bóp, tinh dầu... và chiếc máy may, nhưng chị vẫn bảo hai con chuẩn bị một thùng nước miễn phí đặt bên hiên để giúp đỡ những người lao động nghèo.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng chị cảm thấy hài lòng, hạnh phúc với những gì đang có. Sau loạt biến cố tưởng chừng không thể vượt qua, giờ đây chị tự tin hồi sinh cuộc đời và truyền cảm hứng cho những mảnh đời bất hạnh. "Bây giờ tôi xấu hơn, làm chậm chạp hơn nhưng miễn là còn lao động được thì nhất định một ngày tôi sẽ có lại được những gì mình đã mất", chị Ngân nói.

Minh Hoa

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (13)

Tin nổi bật