Cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn dài 88 km có tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng là dự án quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2. Dự án do Ban Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư, Tập đoàn Đèo Cả là tổng thầu thi công.
Thi công bên trong ống hầm số 3 thuộc gói thầu XL3 cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, công tác giải phóng mặt bằng của dự án đến nay đạt 96%, trong đó tỉnh Bình Định bàn giao đạt 100%, tỉnh Quảng Ngãi bàn giao đạt 95%. Các mỏ vật liệu đã hoàn thành cấp phép 16/19 mỏ, 3 mỏ còn lại hoàn thành cấp phép trong tháng 4/2024.
Toàn dự án đã triển khai 43 mũi thi công, huy động gần 3.200 nhân sự, hơn 1.100 máy móc thiết bị đến công trường. Cả 3 gói thầu XL1, XL2, XL3 đều tổ chức thi công 3 ca, riêng các hạng mục hầm nhà thầu thực hiện thi công liên tục 24/24, các kỹ sư, công nhân thay ca nhau làm việc liên tục không ngừng nghỉ.
Với hầm số 3 - là hầm xuyên núi lớn nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam được xây mới, kết nối hai tỉnh Quảng Ngãi với Bình Định. Đây cũng sẽ là hầm đường bộ dài thứ 3 Việt Nam, sau hầm Hải Vân và hầm Đèo Cả
Đến nay, đã đào thông 2 trong số 3 hầm xuyên núi trên tuyến, đã triển khai thi công 58/77 cầu, đắp nền đường 3,3/12,1 triệu m3. Sản lượng thực hiện đạt khoảng 22% tổng khối lượng.
Trong đó, hầm số 1 được Tập đoàn Đèo Cả đào thông, vượt tiến độ hơn 3 tháng so với kế hoạch trong hợp đồng thi công. Hầm số 2 được Tập đoàn Đèo Cả đào thông vượt tiến độ gần 1 tháng so với kế hoạch đề ra tại Lễ phát động ký kết thi đua 100 ngày thông hầm 2 (10/10/2023), và vượt gần 5 tháng so với yêu cầu trong hợp đồng thi công.
Sau khi đào thông, hầm số 1 và hầm số 2 được tận dụng làm đường công vụ, rút ngắn thời gian vận chuyển, điều phối vật liệu trên toàn tuyến, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công toàn dự án.
Cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn đã triển khai 43 mũi thi công, huy động gần 3.200 nhân sự, hơn 1.100 máy móc thiết bị đến công trường
Tạp đoàn Đèo Cả cho biết, bằng kinh nghiệm đã được đúc rút qua nhiều lần triển khai thi công các dự án hầm xuyên núi như: hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân, Thung Thi, … và làm chủ công nghệ, Tập đoàn Đèo Cả đã nghiên cứu cải tiến phương pháp thi công hầm “Hệ Đèo Cả” (6 mũi thi công hầm thay vì 4 mũi), sử dụng tuần hoàn nước thi công (tiết kiệm 95% lượng nước thi công hầm).
Nhờ đó, tiến độ đào hầm được thúc đẩy đáng kể. Song song với việc đẩy nhanh tiến độ, công tác an toàn và chất lượng công trình luôn được kiểm soát chặt chẽ.
Với hầm số 3 - là hầm xuyên núi lớn nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam được xây mới, kết nối hai tỉnh Quảng Ngãi với Bình Định. Hầm số 3 có địa chất phức tạp nên công tác thi công được nhà thầu triển khai rất thận trọng nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn. Đến nay, ống hầm trái đạt 796/3.200m, ống hầm phải đạt gần 854/3.200m.
Theo hợp đồng ký kết với chủ đầu tư, hầm số 3 sẽ hoàn thành sau 42 tháng thi công, nhưng Tập đoàn Đèo Cả đang nỗ lực để thông hầm đường bộ cấp đặc biệt này sớm hơn kế hoạch (dự kiến hầm 3 sẽ đào thông trong tháng 6/2025).
Hạng mục cầu sông Vệ (dài 610m, cầu dài nhất trên tuyến) thuộc gói thầu XL1, 134/134 cọc khoan nhồi đã hoàn thành, thi công được 16/16 bệ móng, mố trụ, 14/14 thân mố trụ, 85/105 dầm cầu, hoàn thành lao lắp 10/15 nhịp cầu.
Tập đoàn Đèo Cả cũng cho biết, hiện nay Dự án cũng đang găph một số khó khăn, vướng mắc như công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn mới chỉ đạt 96%, còn vướng nhiều nhất các đoạn qua địa phận huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
Thi công các lớp móng cấp phối đá dăm trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn
Hiện có 16/19 mỏ vật liệu thi công cao tốc đã được cấp phép, nhưng vì nhiều lí do nhà thầu vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận, khai thác mỏ phục vụ cao tốc.
Bên cạnh đó, theo thiết kế kỹ thuật thì Dự án sẽ tận dụng 90% đá từ đào hầm để phục vụ công tác bê tông xi măng, cấp phối đá dăm và vật liệu đắp nền đường; tuy nhiên điều kiện địa chất hầm 2, hầm 3 thay đổi sai khác so với hồ sơ thiết kế kỹ thuật (khác với hồ sơ mời thầu ban đầu) dẫn tới thiếu nguồn vật liệu đá cho bê tông, cấp phối đá dăm và vật liệu đắp nền đường theo tiến độ dự án được phê duyệt, nhà thầu phải bỏ kinh phí để mua từ các mỏ thương mại trong khi chờ thực hiện các thủ tục điều chỉnh thiết kế mất nhiều thời gian.
Đặc biệt, hiện nay, việc công bố giá của địa phương chưa có chỉ số giá nhân công, máy cho hạng mục hầm để tính trượt giá. Nhà thầu kiến nghị Bộ GTVT làm việc với các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định công bố các chỉ số giá xây dựng cho công tác thi công hầm.