Thời điểm năm học mới cận kề, thị trường sách giáo khoa (SGK) trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết, đặc biệt trên các nền tảng trực tuyến. Chỉ với vài cú nhấp chuột, phụ huynh có thể dễ dàng tìm mua đủ loại sách cho con em mình, tiết kiệm thời gian và công sức đi lại. Tuy nhiên, sự tiện lợi này cũng đi kèm không ít rủi ro.
Đằng sau những lời quảng cáo hấp dẫn, giá cả cạnh tranh là nguy cơ tiềm ẩn mua phải sách giả, sách lậu kém chất lượng, khiến nhiều bậc cha mẹ không khỏi lo lắng "tiền mất tật mang", ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập của học sinh.
Chị Hồng Nhung (Hà Đông, Hà Nội) - một trong những "điển hình" của việc mua phải sách giáo khoa giả trên mạng xã hội. Chia sẻ trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Nhung cho hay, khoảng tháng 8/2024, trong giờ nghỉ trưa, chị Nhung lướt mạng tìm mua sách giáo khoa lớp 10 cho con trai. Một buổi phát trực tiếp trên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý của chị với lời chào mời hấp dẫn: "Sách giáo khoa chuẩn nhà in giảm giá 40%, số lượng có hạn".
Thấy nhiều người tương tác đặt mua và với tâm lý muốn mua được giá tốt, chị nhanh chóng quyết định đặt một bộ, tiết kiệm được khoảng 100.000 đồng so với việc mua tại nhà sách gần nhà.
Chỉ hai ngày sau, bộ sách được giao tới, đóng gói cẩn thận bằng màng co, bìa sách trông sáng màu và mực in có vẻ đậm rõ, không có dấu hiệu gì bất thường khiến chị phải nghi ngờ. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Sau khoảng hai tuần con trai chị sử dụng sách để học tập, những vấn đề bắt đầu nảy sinh. Cậu bé tỏ ra lúng túng khi làm bài tập trên lớp và thường nói rằng sách của mình không giống của các bạn.
Tình hình trở nên đáng báo động khi cô giáo chủ nhiệm phải nhắn tin riêng, đề nghị chị kiểm tra lại bộ sách vì nghi ngờ con đang học theo nội dung sai lệch. Lúc này, chị Nhung mới giật mình kiểm tra kỹ lưỡng và phát hiện ra hàng loạt lỗi nghiêm trọng: số trang bị nhảy cóc, hình ảnh minh họa thì mờ nhòe, thiếu sắc nét.
Mọi nỗ lực liên hệ lại với gian hàng online đều thất bại; số điện thoại hỗ trợ không thể gọi được. Cảm giác bị lừa dối khiến chị Nhung vô cùng bức xúc. Thiệt hại không chỉ là số tiền đã bỏ ra mà còn là nỗi lo lắng khôn nguôi khi con trai đã phải học theo tài liệu sai chuẩn suốt hai tuần, ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức và cả sự tự tin của cháu. Cuối cùng, chị đành phải chấp nhận mua lại toàn bộ sách mới từ một nhà sách lớn uy tín, tốn thêm hơn 400.000 đồng.
Từ sự cố không mong muốn này, chị Nhung đã rút ra một bài học sâu sắc: sách giáo khoa là tài liệu học tập cốt lõi, có ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy và kiến thức của trẻ, không thể tùy tiện chọn mua chỉ vì giá rẻ.
Trên các sàn thương mại điện tử, sách giáo khoa, sách tham khảo,... được bày bán khá đầy đủ từ trọn bộ đến sách lẻ để phụ huynh lựa chọn. Ảnh chụp màn hình
Chị Nhung ngậm ngùi chia sẻ: "Chỉ vì muốn tiết kiệm hơn 100.000 đồng mà tôi đã phải trả giá gấp nhiều lần, con thì học sai kiến thức, bản thân lại thêm lo lắng, bực bội, đúng là 'tiền mất, tật mang'. Tôi mong rằng các bậc phụ huynh khác sẽ hết sức cẩn trọng khi mua sách online. Hãy ưu tiên lựa chọn các kênh phân phối chính thức từ nhà xuất bản hoặc các đại lý được ủy quyền, đồng thời đừng quên kiểm tra kỹ các đặc điểm nhận biết sách thật như tem chống giả, mã ISBN để tránh rơi vào 'bẫy giá rẻ' và gánh chịu những hệ lụy không đáng có."
Báo Giáo dục & Thời đại dẫn thông tin từ NXB Giáo dục Việt Nam, sách giả được làm rất tinh vi, mặc dù nhìn bên ngoài giống sách thật, nhưng về chất lượng in sẽ không đạt yêu cầu.
Sách giáo dục giả nếu có sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin… sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung (đặc biệt nguy hiểm nếu thiếu đường nét biên giới, vấn đề biển đảo), kiến thức tiếp nhận của học sinh.
Với những sách in bị mờ, không đảm bảo quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thể chất của học sinh, nhất là về thị lực. Sử dụng sách giả, học sinh sẽ không thể truy cập và sử dụng online được các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ cho học sinh.
Sách giả ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của giáo viên, tác giả, đơn vị xuất bản, đối tác liên kết; triệt tiêu sự sáng tạo và làm thất thu ngân sách nhà nước.
Phụ huynh nên cẩn trọng khi mua sách giáo khoa. Ảnh minh họa
Bên cạnh thiệt hại về kinh tế, sách giáo dục giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của NXB Giáo dục Việt Nam do chất lượng in kém, có sai sót về nội dung, hình thức; giáo viên, học sinh không thể truy cập để sử dụng các học liệu số được NXB Giáo dục Việt Nam cung cấp. Độc giả khi mua phải những ấn phẩm này cũng sẽ mất lòng tin vào chất lượng sách nói chung.
Đối với xã hội, sách giả gây rối loạn thị trường, khó khăn cho các nhà xuất bản khi phải đối diện với việc cạnh tranh không công bằng. Chính quyền và các cơ quan chức năng phải tốn nhiều nguồn lực để xử lý vấn nạn này, từ việc kiểm tra, thu hồi sách lậu đến việc xử phạt các đối tượng vi phạm.