Công an TP.Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án hình sự về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là xe máy điện, đồng thời khởi tố 3 bị can để phục vụ công tác điều tra, xử lý.
Người được xác định cầm đầu đường dây là N.V.D. (trú tại Bắc Ninh).
Theo điều tra ban đầu, D. cùng đồng phạm đã xây dựng một hệ thống khép kín, từ sản xuất linh kiện, lắp ráp đến hợp thức hóa giấy tờ và đưa hàng giả ra thị trường như xe chính hãng.
Thông tin trên VietnamNet, tại cơ quan công an, D. khai nhận: “Tôi thu thập thông tin, phụ kiện từ xe chính hãng, sau đó làm giả số khung, số máy và giấy tờ.
Xe giả được dán tem chống hàng giả, rồi giao cho các đại lý tiêu thụ. Mỗi chiếc sau khi lắp ráp xong bán với giá khoảng 7 triệu đồng, khi qua đại lý được đẩy lên thành 8,6 triệu đồng và bán ra thị trường với giá 12,5 triệu đồng”.
Khi tiếp tục bị hỏi về chất lượng, D. trả lời: “Chất lượng thì tôi không thể biết xe như thế nào”.
Đối tượng N.V.D. - "ông trùm" đường dây sản xuất xe máy điện giả ở Hà Nội. (Ảnh: VietnamNet)
Trước đó, ngày 11/7, Công an TP.Hà Nội cho biết Phòng cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự và khởi tố 3 bị can để điều tra về hành vi sản xuất, tiêu thụ xe máy điện giả nhãn hiệu, kém chất lượng.
Tuổi trẻ cho hay, theo công an, ngày 16/6 Phòng cảnh sát kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước - Bộ Công Thương kiểm tra đồng loạt một số địa điểm kinh doanh xe máy điện có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn TP.Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh.
Mở rộng điều tra, Phòng cảnh sát kinh tế tiếp tục khám xét một công ty sản xuất xe máy điện tại tỉnh Bắc Ninh.
Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ trên 100 xe máy điện không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Các xe này có dấu hiệu làm giả nhãn hiệu, xuất xứ với tổng trị giá hàng hóa trên 1 tỉ đồng.
Công an còn phát hiện, tạm giữ nhiều máy móc, trang thiết bị sản xuất xe điện giả.
Xe máy điện giả bị cơ quan công an thu giữ. (Ảnh: Cơ quan công an)
Theo tài liệu điều tra ban đầu, các nghi phạm hoạt động với phương thức tinh vi, làm giả nhiều loại giấy tờ liên quan để hợp thức hóa nguồn xe vi phạm.
Đây là chiêu trò giúp các nghi phạm qua mắt lực lượng chức năng, trốn thuế và đánh lừa người tiêu dùng, khiến khách hàng tưởng rằng mình đang mua xe chính hãng, đầy đủ giấy tờ hợp lệ.
Công an xác định nhóm này đã thu thập dữ liệu về các dòng xe máy điện chính hãng, sau đó tổ chức sản xuất xe máy điện giả tại một công ty ở Bắc Ninh.
Sau khi xe điện giả được lắp ráp hoàn thiện, nhóm nghi phạm bán xe cho cửa hàng tại Hà Nội kèm theo giấy tờ giả nhằm hợp thức hóa xe giả, kém chất lượng ra thị trường để hưởng lợi nhuận 3 - 4 triệu đồng/xe.
Hiện, vụ việc đang được lực lượng chức năng xử lý theo trình tự pháp luật.