National Interest mới đây đã đăng tải bài viết so sánh sức mạnh giữa tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Zumwalt của Mỹ và tàu chiến Type 055 của Trung Quốc.
Tàu USS Zumwalt của Mỹ. Ảnh: Getty |
Vào ngày 15/10/2016, tại Baltimore trên Bờ Đông nước Mỹ, lực lượng Hải quân ỳ đã đưa tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Zumwalt vào phục vụ sau quá trình phát triển kéo dài và tốn kém. Dài 180 mét với lực giãn nước lên tới 14,5 tấn, Zumwalt là tàu đầu tiên trong số ba tàu khu trục tấn công tên lửa dẫn đường được ví như máy bay chiến đấu mặt nước lớn nhất của Mỹ trong nhiều thế hệ.
Trong khi người Mỹ đang ăn mừng vì thành quả đó thì ở phía bên kia bán cầu, tại một xưởng đóng tàu ở Thượng Hải, Hải quân Trung Quốc cũng đang làm việc chăm chỉ để chế tạo tàu chiến mặt nước 14.000 tấn của riêng mình. Type 055 mới bắt đầu được hạ thuỷ vào năm 2018 và được khẳng định là tàu chiến mặt nước lớn nhất và mạnh nhất ở châu Á.
Chưa rõ Type 055 sẽ thực hiện nhiệm vụ cụ thể nào nhưng có những dấu hiệu cho thấy tàu chiến này sẽ hoạt động như một tàu hộ tống phòng không chính cho tàu sân bay mới được chế tạo trong nước của Trung Quốc, hiện đang được hoàn thiện ở Đại Liên, miền Bắc đất nước.
Type 055 được trang bị bộ phát radar tương tự như SPY-1 - một phần của hệ thống phòng không không quân của Hải quân Mỹ. Trước đây, các phi công của Hải quân Mỹ sẽ không bao giờ thực hiện nhiệm vụ mà không có ít nhất một tàu tuần dương được trang bị Aegis và một số tàu khu trục Aegis làm tàu hộ tống. Đáng chú ý, Zumwalt là lớp chiến đấu mặt nước lớn mới đầu tiên của Mỹ trong 30 năm không có Aegis.
Type 055 của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Getty |
Mặc dù Zumwalt có thân tàu tàng hình tránh radar và súng đôi 155 ly, có thể bắn đạn khoảng cách ít nhất 128km để hỗ trợ các cuộc đổ bộ và hoạt động đặc biệt nhưng các chuyên gia cho rằng Type 055 có khả năng dành chiến thắng nếu đụng độ với Zumwalt. Cụ thể, Type 055 tự hào có cấu trúc thân tàu khá truyền thống, chỉ với những nỗ lực khiêm tốn để giảm sức mạnh “mắt thần” của radar đối thủ bằng một boong phía trước, cấu trúc góc cạnh và cột buồm chính.
Ngược lại, Zumwalt có thân tàu tàng hình với độ dốc đặc biệt và các cảm biến cùng tháp pháo được bao kín hoàn toàn. Có thể khả năng tàng hình của Zumwalt là để phục vụ cho các hoạt động di chuyển một mình, do thám khu vực gần bờ biển của kẻ thù.
Giả sử Type 055 thực sự là tàu phòng không, nó có thể đi cùng với một tàu sân bay, các tàu hộ tống khác và thậm chí cả tàu hậu cần, không ai trong số chúng đặc biệt tàng hình. Việc tàng hình Type 055 bị cho là không cần thiết và tốn kém.
Type 055 cũng sở hữu tới 128 ô phóng thẳng đứng cho tên lửa không đối không và các loại đạn khác - nhiều hơn 6 ô phóng so với tàu chiến mặt nước được trang bị vũ khí mạnh nhất của Mỹ hiện nay tàu tuần dương lớp Ticonderoga. Trong khi đó, Zumwalt chỉ có 80 ô phóng. Chúng được xếp dọc theo các cạnh của thân tàu - ý tưởng để các ô phóng tên lửa cũng có thể hoạt động như áo giáp, hấp thụ một phần lực của tên lửa hoặc súng. Type 055 chỉ mang theo tên lửa của riêng mình trong các cụm được lắp đặt tập trung, giống như hầu hết các tàu chiến khác.
Các nhà thiết kế của Zumwalt đã quyết định giảm năng lực tên lửa trang bị để đổi lấy độ bền cho con tàu. Trong khi đó, những người chế tạo Type 055 bị cho là đã mắc kẹt theo các nguyên tắc thiết kế truyền thống: tối đa hóa hỏa lực, chấp nhận nguy cơ bị hư hại nặng trong thực chiến.
Trên nhiều phương diện, Type 055 được cho là mang tính tiến hóa hơn tính cách mạng. Mặt khác, Zumwalt mở rộng các ranh giới của thiết kế tàu chiến và có khả năng tạo ra các khái niệm hoạt động mới. Hải quân Mỹ đã và triển khai các tàu chiến lớn gần bờ biển của kẻ thù với mục đích bắn phá mục tiêu trên đất liền. Radar và tên lửa dẫn đường khiến nhiệm vụ trở nên quá nguy hiểm đối với các chiến binh trên mặt đất.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo National Interest)