Sau TP.HCM, mới đây trên mạng xã hội lại xuất hiện văn bản giả mạo sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hải Phòng về việc cho học sinh nghỉ học để chống dịch corona.
Văn bản giả mạo được sở Giáo dục và Đào tạo TP Hải Phòng cảnh báo. Ảnh: TTXVN |
Cụ thể, văn bản giả có số 235/BC-SGDĐT-VP "V/v cho ý kiến học sinh nghỉ học từ ngày 16/2 đến hết ngày 26/2/2020 nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp", được "ký" vào ngày 14/2/2020 của sở Giáo dục và Đào tạo gửi UBND TP. Hải Phòng.
Ngay sau khi hình ảnh văn bản này lan truyền trên Facebook đã gây hoang mang cho giáo viên, học sinh và phụ huynh, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự địa phương.
Trước tình hình trên, sáng 15/1, sở Giáo dục và Đào Hải Phòng đã có văn bản khẳng định văn bản đang được lan truyền trên mạng xã hội là giả mạo, thông tin không đúng sự thật. Thực tế tại thời điểm này, sở Giáo dục và Đào mới chỉ có Công văn số 235/BS-SGDĐT-VP ngày 07/02/2020 về việc xin ý kiến UBND thành phố cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 16/02/2020.
Ngoài ra, sở Giáo dục và đào tạo Hải Phòng đã có văn bản hỏa tốc đề nghị Công an thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông điều tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, tự ý đưa thông tin giả mạo lên mạng xã hội Facebook.
Văn bản chính thức đang được sở Giáo dục và Đào tạo TP Hải Phòng gửi xin ý kiến UBND Thành phố. Ảnh: TTXVN |
Cũng trong sáng 15/2, Sở Giáo dục và đào tạo Hải Phòng đã có văn bản số 302/SGDĐT-VP báo cáo UBND thành phố "V/v xin ý kiến cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 23/2/2020 nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID - 19.
Nội dung văn bản này nêu: Cho phép học sinh nghỉ học từ ngày 17/2 đến hết ngày 23/2/2020. Trong thời gian nghỉ học, thủ trưởng các đơn vị giáo dục chủ động bố trí các cán bộ, giáo viên, nhân viên trực tại đơn vị trong giờ hành chính để tiếp tục thực hiện các biện pháp khử khuẩn và tập huấn về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID - 19. Đồng thời, tổ chức sinh hoạt chuyên môn, nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông mới, xây dựng đề cương ôn tập, kế hoạch dạy học online, xây dựng bài giảng e-leaning để giúp học sinh có thể tự học ở nhà.
Nguyễn Phượng (T/h)