Đa số các thành viên hội đồng thành phố nhất trí rằng hệ thống cảnh sát địa phương hiện không thể cải tổ và cần xóa bỏ để xây dựng lại.
Cảnh sát Minneapolis. Ảnh: Sở cảnh sát Minneapolis |
Hai phần ba thành viên thuộc Hội đồng thành phố Minneapolis (Mỹ) cam kết sẽ giải tán sở cảnh sát, sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd làm dấy lên làn sóng biểu tình khắp cả nước về nạn phân biệt chủng tộc trong giới hành pháp.
Các nhà chức trách đồng thời cho biết sẽ thiết lập một hệ thống an ninh công cộng mới tại một thành phố mà lực lượng hành pháp bị cáo buộc phân biệt chủng tộc trong thời gian dài vừa qua.
"Sau những thập kỷ nỗ lực cải cách, các nhân viên cảnh sát đã chứng minh rằng sở cảnh sát thành phố Minneapolis không thể được cải tổ, và sẽ không bao giờ chịu trách nhiệm về hành động của mình”, Chủ tịch Hội đồng thành phố - bà Lisa Bender- phát biểu trong một cuộc biểu tình tại Công viên Powderhorn.
"Chúng tôi cam kết giải thể sở cảnh sát hiện tại ở thành phố Minneapolis và sẽ xây dựng lại đơn vị này với một mô hình mới về trật tự công cộng, với nhiệm vụ thực sự là duy trì an toàn của cộng đồng".
Theo CNN, lời kêu gọi cắt ngân sách hoặc bãi bỏ hoàn toàn các cơ quan cảnh sát đã được nhiều người biểu tình đưa ra sau cái chết của George Floyd - một người Mỹ da màu bị cảnh sát trấn áp bằng bạo lực.
Một số thành viên Hội đồng thành phố Minneapolis đã hứa sẽ thực hiện điều này, trong đó có bà Bender.
Các thành viên cũng có mặt khi bà Lisa Bender đưa ra tuyên bố gồm Phó Chủ tịch Andrea Jenkins và các thành viên hội đồng Alondra Cano, Phillipe Cickyham, Jeremiah Ellison, Cam Gordon, Andrew Johnson và Jeremy Schroeder.
Các thành viên hội đồng thành phố cho biết họ sẽ lên các kế hoạch thay đổi lực lượng cảnh sát thông qua hợp tác xin ý kiến từ cộng đồng, rút các bài học kinh nghiệm.
Tuy nhiên, Thị trưởng Minneapolis Jacob Frey tuyên bố rằng ông không tin tưởng vào phương án giải tán sở cảnh sát.
Dù hội đồng thành phố kiểm soát ngân sách của cảnh sát, ông Frey có quyền phủ quyết hành động của hội đồng. Song các thành viên hội đồng cũng tuyên bố họ có đủ phiếu bầu để kháng lại lệnh phủ quyết của ông Frey.
Mộc Miên (Theo Washington Times)