Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sinh viên tất bật làm thêm dịp cận Tết Nguyên đán

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Nhân khoảng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều sinh viên tranh thủ tìm thêm việc làm thời vụ nhằm tăng thu nhập, học hỏi kinh nghiệm và luyện tập khả năng giao tiếp.

Tranh thủ làm thêm, tăng thu nhập

Những ngày cận Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường việc làm thời vụ trở nên nhộn nhịp do nhu cầu mua sắm và sử dụng các dịch vụ của người dân tăng cao.

Nắm bắt thời điểm nhu cầu về việc làm tại các cơ sở kinh doanh tăng mạnh dịp trước Tết, nhiều sinh viên tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM tranh thủ tìm kiếm thêm những việc làm thời vụ nhằm tăng thu nhập cho bản thân đồng thời học hỏi thêm kinh nghiệm và kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống.

Sinh viên tranh thủ làm thêm dịp cận Tết Nguyên đán. Ảnh: VnExpress

 

Chia sẻ trên VietNamPlus, Phạm Nam Anh, sinh viên năm thứ ba của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 quyết định "bám trụ" lại Thủ đô với công việc tài xế công nghệ nhằm kiếm thêm thu nhập trước khi về quê ăn Tết.

"Nhu cầu mua sắm online của khách hàng tăng cao khiến anh chị em shipper gần như 'bơi' trong đơn hàng dịp cận Tết. Mỗi ngày em nhận giao khoảng 200 đơn hàng, mỗi đơn được trả công khoảng 3.500 đồng, trung bình thu nhập một ngày được khoảng 700.000 đồng", Nam Anh chia sẻ.

Bên cạnh dịch vụ vận chuyển giao hàng, những công việc "mỳ ăn liền" tại các cơ sở kinh doanh quán ăn, quán cà phê, cửa hàng tạp hóa... cũng được nhiều sinh viên lựa chọn với mục đích tăng thêm kinh nghiệm giao tiếp với khách hàng.

"Do ban ngày vẫn đi học nên em lựa chọn công việc bán hàng theo ca chiều tối tại cửa hàng tạp hóa. Tùy vào lịch học mà sinh viên có thể lựa chọn ca sáng-tối, thường làm khoảng 4 giờ đồng hồ với thu nhập từ 120.000-200.000 đồng/ca làm," Nguyễn Lan Anh, sinh viên năm thứ hai của Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết.

Tương tự các sinh viên ở Thủ đô, em Hồng Quân, sinh viên năm thứ hai, trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), nấn ná lại thành phố làm thêm sau khi trường cho nghỉ Tết. Chàng trai quê Bình Thuận đăng ký chạy xe ôm công nghệ, dự định tối 29 tháng Chạp mới lên xe về nhà.

Đóng gói giỏ quà Tết là một trong những công việc làm thêm được nhiều sinh viên lựa chọn. Ảnh: VietNamPlus

 

Với thu nhập khoảng 400.000-500.000 đồng mỗi ngày, dự kiến đợt này Quân có thể kiếm được 12-15 triệu đồng. Đều đặn 7h sáng hàng ngày, Quân mở app để nhận chuyến, đến 14h chiều về ăn uống, ngủ trưa. Buổi tối, nam sinh chạy xe từ 18h đến 22h.

"Số tiền kiếm được, mình định lì xì bố mẹ, đi chơi với bạn bè dịp Tết và để dành chi tiêu. Nếu tiết kiệm, số tiền này cũng đủ em sinh hoạt 2 tháng ở thành phố", VnExpress dẫn lời Quân nói.

Thận trọng tránh lừa đảo

Thông tin trên báo VnExpress, ông Lê Nguyễn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM (SAC), cho biết trước Tết Nguyên đán, nhu cầu tuyển dụng sinh viên làm việc bán thời gian tăng cao. Trung tâm dự kiến giới thiệu 4.000 việc làm Tết cho sinh viên có nhu cầu.

Những vị trí được tuyển dụng nhiều trong dịp này thường yêu cầu làm xuyên Tết, như: thu ngân, nhân viên kho, gói quà, chế biến tại siêu thị hoặc phục vụ, phụ bếp, giữ xe nhà hàng; bảo vệ, giao hàng, phụ việc nhà, dọn vườn, trông coi nhà cửa trong dịp Tết.

Mức thu nhập trung bình cho các công việc này khoảng 25.000-50.000 đồng mỗi giờ, hoặc 140.000-400.000 đồng một ngày. Trong các ngày Tết, doanh nghiệp trả lương cao gấp đôi, gấp ba hoặc tặng quà, lì xì Tết cho sinh viên làm thêm. Vì thế, nếu chịu khó, họ có thể kiếm được một khoản khá vào dịp này.

Ảnh minh họa 

 

Tuy nhiên thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Công tác sinh viên, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, lưu ý sinh viên thận trọng để tránh lừa đảo. Cách đây hơn một tháng, nhiều trường đại học đã cảnh báo về trường hợp sinh viên đăng ký làm thêm rồi bị lừa sang Campuchia.

Theo ông Nam, sinh viên thiếu kinh nghiệm có thể trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo tìm việc làm, bởi các "nhà tuyển dụng" này thường không yêu cầu kinh nghiệm, hồ sơ cá nhân, đánh vào tâm lý muốn tìm việc nhẹ, lương cao của người trẻ.

Theo ông, sinh viên cần tìm thông tin tuyển dụng ở những kênh uy tín, chính chủ. Khi trao đổi công việc, các bạn cần kiểm tra kỹ lưỡng thông tin về nhà tuyển dụng và công việc, yêu cầu, nơi làm việc, mức độ an toàn khi di chuyển, thù lao, hợp đồng lao động.

"Sinh viên tuyệt đối không cung cấp giấy tờ tùy thân bản gốc cho người khác, không đóng bất kỳ khoản phí nào cho giao dịch tìm việc. Những trường hợp phải trả phí qua trung gian hoặc đóng cọc để nhận việc thường có vấn đề", ông Lê Nguyễn Nam nhấn mạnh.

Thủy Tiên (T/h)

Tin nổi bật