Không ít bạn sinh viên xa nhà, ra thành phố học đã chăm chỉ làm thêm kiếm tiền, họ chấp nhận làm cả những người bán hàng rong trên phố. Và thực tế, không ít bạn trẻ đã kiếm được hàng chục triệu mỗi năm.
Doanh thu 62 triệu đồng/3 tuần
Suốt 3 tuần qua, Hoàng Thái Dân (ĐH Ngoại thương Cơ sở 2, TP. HCM) liên tục có mặt tại công viên lúc 8h sáng để bán bong bóng nghệ thuật. Chia sẻ về 21 ngày bán bong bóng gây quỹ, thu về 12 triệu đồng cho chương trình “Xuân Tình nguyện”, Thái Dân nói: “Nhóm mình gồm 25 bạn sinh viên năm thứ nhất, thứ hai. Tất cả đều chưa từng có kinh nghiệm bán hàng nhưng vẫn tình nguyện “đâm đầu” đi bán bong bóng. Tụi mình bán các sản phẩm bong bóng, với nhiều hình thù ngộ nghĩnh nên cũng thu hút khá đông khách quan tâm”.
Với mặt hàng móc khóa cung Hoàng đạo đơn giản, 8 sinh viên năm thứ nhất, trường ĐH Kinh tế TP. HCM thu về hơn 62 triệu đồng, sau 3 tuần. Hữu Hòa (trưởng nhóm) chia sẻ: “Tụi mình gặp nhau trong một khóa học kỹ năng. Phần cuối của khóa học là chọn một trong 3 dự án bán hàng, tổ chức sự kiện, nghệ thuật để thực hiện trong 3 tuần. Tụi mình thấy bán hàng là khó nhất, nên liều chọn”.
Mời khách hàng mua bong bóng nghệ thuật |
Lăn lộn đường phố
Thái Dân (thành viên của đội bán bong bóng) chia sẻ: “Sáng đầu tiên, cả nhóm đi bán bong bóng ở trường mầm non, doanh thu rất “thảm”. Mọi người đều hớt hải vào lớp, chẳng ai nghe tụi mình chào hàng.
Buổi ra quân mà tụi mình bị dội một gáo nước lạnh, xuống tinh thần ghê gớm. Nhưng rút kinh nghiệm, cả nhóm chuyển ngay sang bán ở công viên. Doanh thu tăng vọt từ con số 0 lên 650.000 đồng.
Sau đó, các bạn đều bán ở trường mầm non, trường tiểu học vào buổi chiều chứ không bán buổi sáng như trước nữa. Vì chiều là giờ các em đi về, hoặc đứng chờ bố mẹ đón, sức mua bong bóng mạnh nhất”.
Một bạn trong tổ bán bong bóng “bật mí” kinh nghiệm: “Với mỗi đối tượng khách hàng, tụi mình chào hàng một cách khác nhau. Trẻ con bị thu hút bởi các con thú nhiều màu sắc, nên mình thường mời: “Đây là con khủng long nè em!”, hoặc “Em mua kiếm bong bóng đi, để tập làm siêu nhân!”… Các em nghe rất thích và xin cha mẹ mua ngay.
Còn với các cặp đôi, mình chào mời bong bóng hình trái tim, khuyến mãi “dịch vụ” ghi tên hai bạn lên bong bóng làm quà kỷ niệm. Tụi mình phải linh hoạt trong mọi hoàn cảnh”.
Có lần, cả nhóm thấy có một đoàn khá đông tổ chức sinh nhật trong công viên, mọi người lóe lên ý tưởng chào hàng mới. Một bạn cầm bong bóng trái tim chạy đến hát bài Happy Birthday chúc mừng rồi mời các bạn mua bong bóng trang trí sinh nhật luôn. Cả nhóm bán được nhiều gấp hai, ba lần bình thường.
Bán móc khoá cung Hoàng đạo. |
Không trường lớp nào dạy
Thúy Hòa (thuộc nhóm bạn sinh viên Kinh tế) đã làm nên một trào lưu chơi móc điện thoại cung Hoàng đạo, nói: “Những bài học nắm bắt tâm lý khách hàng không trường lớp nào dạy, phải tự đi bán mới hiểu được. Tụi mình đặt chính bản thân vào các bạn khách hàng để xem các bạn sẽ nghĩ thế nào, rồi đi chào hàng thử. Thấy có hiệu quả thì mình tiếp tục phát huy”.
Quang Hiển kể về buổi bán móc điện thoại đã đem lại bài học về nắm bắt thời cơ: “Bán hàng là phải thật kiên nhẫn, không được bỏ cuộc. Hôm ấy, mình đi bán một mình ở trường trung học. Đột ngột trời mưa rất to, mọi người tản đi hết tìm chỗ trú, chẳng còn ai trước cổng trường. Mình tưởng gặp xui mà lại hóa may. Mưa nên học sinh đứng tụm lại trú trong hành lang, càng dễ cho mình đến chào hàng. Hôm ấy, mình nghĩ thất bại nhưng sức mua lại còn nhiều hơn ngày thường”.
Giá trị của những bài học bán hàng không giáo án ấy có thể tổng kết qua lời Hoàng Thiện (thành viên đội bán móc khoá và móc điện thoại): “Sau này, mình học Marketing căn bản mới biết trước khi đi bán hàng phải chọn đúng thị trường mục tiêu, hiểu tâm lý khách hàng… Thật ra, những điều ấy tụi mình đã thấm từ chính thực tế khi kinh doanh trên đường phố”.
Hữu Hòa chia sẻ: “Khi đi bán, quan trọng nhất là phải đặt mục tiêu. Ban đầu, nhóm mình đặt mục tiêu “không tưởng” là thu được 60 triệu đồng, trong 3 tuần. Không ai tin nhóm có thể bán được tới con số “khủng” như vậy nhưng cuối cùng, tụi mình đã cán mốc 62.814.000 đồng, vượt kỷ lục bán hàng của tất cả các nhóm khác”.
Trong bán hàng, khi càng về cuối, sức càng đuối thì người bán sẽ càng nản. Cái “neo” để giữ mọi người cùng tiếp tục “chiến” cùng nhau chính là mục tiêu.
Thái Dân nói: “Ngày cuối, ai cũng mệt, muốn về nghỉ sớm nhưng vì đặt mục tiêu phải là nhóm có doanh số cao nhất, tụi mình động viên nhau cố gắng, cuối cùng đã thành công”.
Theo Sinh viên Việt Nam