Điều 16 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định đối tượng được giảm học phí và hỗ trợ tiền đóng học phí như sau:
1. Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm:
a) Học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa - nghệ thuật bao gồm: Nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống;
b) Học sinh, sinh viên học các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp theo danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định;
c) Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số (ngoài đối tượng dân tộc thiểu số rất ít người) ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Các đối tượng được giảm 50% học phí gồm:
a) Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công chức, viên chức, công nhân mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên;
Như vậy, các sinh viên thuộc đối tượng trên ở khu vực bị ảnh hưởng bão lũ mới được giảm học phí theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, có thể các trường đại học, cao đẳng cũng sẽ có quy định về giảm học phí cho sinh viên có gia đình ở vùng bị thiệt hại do bão, lũ lụt.
Trường Đại học Kinh tế TP.HCM dành 100 suất học bổng, mỗi suất trị giá 10 triệu đồng, trao cho sinh viên có hộ khẩu thường trú tại 26 địa phương miền Bắc bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 3. Ảnh minh họa
Đại học Kinh tế TP.HCM chiều 13/9 cho biết việc này nhằm hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Cụ thể, trường trao 100 suất học bổng, mỗi suất 10 triệu đồng cho sinh viên khó khăn ở 26 tỉnh, thành, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa.
Ngoài ra, nhằm giảm áp lực tài chính cho gia đình các em, thời gian đóng học phí kỳ đầu năm 2025 được kéo dài đến giữa tháng 1, thay vì tháng 11 như thường lệ.
Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, nhà trường đã hỗ trợ 46 triệu đồng cho sinh viên có gia đình bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Thông qua rà soát, nhà trường thống kê 12 gia đình của sinh viên đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 và hoàn lưu bão. Khoản hỗ trợ 46 triệu đồng được gửi đến 12 sinh viên theo các mức: 2 triệu đồng (7 sinh viên), 4 triệu đồng (3 sinh viên), 10 triệu đồng (2 sinh viên).
Với tinh thần “không để học viên, sinh viên nào bị bỏ lại phía sau”, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã trích 500 triệu đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ sinh viên để giúp những sinh viên đại học chính quy có gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lụt.
Bên cạnh đó, nhà trường cấp 2.000 suất ăn miễn phí từ nguồn kinh phí xã hội hóa nhằm hỗ trợ sinh viên thuộc đối tượng chính sách tại căng tin trong thời gian Hà Nội chịu nhiều ảnh hưởng của bão lũ.
Theo khảo sát sơ bộ đợt 1 của Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, có gần 100 sinh viên của trường bị ảnh hưởng bởi bão và hoàn lưu sau bão, trong đó 20 em có hoàn cảnh khó khăn. Ban Giám hiệu quyết định trích quỹ phúc lợi tặng hỗ trợ 20 sinh viên này với mức 5 triệu đồng/em.
Nhà trường cam kết sẽ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để nắm bắt các trường hợp sinh viên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, gia đình khó khăn để triển khai thêm nhiều đợt hỗ trợ, đảm bảo không có sinh viên nào bị bỏ lại phía sau trong hành trình khắc phục hậu quả cơn bão.
Nhiều trường đại học lên phương án hỗ trợ sinh viên vùng lũ. Ảnh minh họa
Tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khoảng 100 sinh viên đã chia sẻ thông tin với nhà trường về việc bị ảnh hưởng của bão. Ban Công tác sinh viên và Đoàn Thanh niên đã liên hệ với từng sinh viên để hỗ trợ bố trí chỗ ở trong ký túc xá, cho mượn laptop, gửi đồ ăn, nước uống.
Với những sinh viên có gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giảng viên sẽ hướng dẫn các em đăng ký học bổng Trần Đại Nghĩa. Học bổng có hai mức, tương đương 50% và 100% học phí một học kỳ.
Trường Đại học Kinh tế quốc dân quyết định hỗ trợ sinh viên hệ chính quy có gia đình bị thiệt hại với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/em. Từ ngày 11/ đến 20/9, sinh viên có thể đăng ký theo đường link mà trường cung cấp. Sau đó, nhà trường sẽ chuyển khoản tiền hỗ trợ vào tài khoản của sinh viên.
Trường Đại học Ngoại thương ghi nhận khoảng 80 sinh viên có gia đình bị nước lũ cô lập, thiệt hại về tài sản, việc di chuyển từ nhà đến trường rất khó khăn... Để điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh của sinh viên, nhà trường tổ chức học online và cho biết sẽ hỗ trợ tài chính cho những em rơi vào tình huống khó khăn.