Y học đang nghiên cứu kỳ nhông Mexico bởi khả năng tái tạo cơ thể thần kì của loài vật này. Đừng nói đến đứt tay chân, thậm chí vỡ tim nó cũng có thể tự lành lại được.
Kỳ giông Mexico trong môi trường tự nhiên - Ảnh internet. |
Kỳ giông Mexico hay còn gọi là khủng long sáu sừng (tên tiếng Anh: axolotl). Khả năng tái tạo cơ thể siêu việt của kỳ giông Mexico khiến nó được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu khoa học. Khi bị đứt chân, đuôi hay... một phần của tim, kỳ giông sẽ tái tạo lại ngay mà còn không để lại sẹo.
Đây là loài sinh vật lưỡng cư, vừa sống được trên cạn, vừa sống được dưới nước. Là loài sinh vật đặc hữu của Mexico - nghĩa là ngoài đất nước này thì bạn không thể tìm thấy chúng ở đâu khác (tất nhiên là trừ những trung tâm nghiên cứu đặc biệt, vườn thủy sinh...) nhưng kỳ giông Mexico hiện đang có nguy cơ bị tuyệt chủng ngay tại quê hương của mình.
Kỳ giông Mexico được nuôi tại nhiều nơi để làm sinh vật cảnh và đối tượng nghiên cứu khoa học - Ảnh internet. |
Quần thể tự nhiên của loài này đang cực kỳ nguy cấp bởi những nguyên nhân đến từ chính con người như sau:
Là món ăn ngon
Tại một số nước, kỳ giông Mexcico trở thành món ăn của giới nhà giàu - Ảnh Kevin Schafer. |
Từ lâu kỳ giông Mexico đã là một món ăn ngon. Món kỳ giông chiên giòn được ưa chuộng tại một số nước Châu Á, trong đó có Nhật Bản và tất nhiên là với giá cả không hề rẻ. Chính vì vậy mặc dù bị cấm nhưng người ta không thể ngăn được một số lượng không ít kỳ giông "xuất ngoại" sang Nhật Bản.
Môi trường sống bị đe dọa
Môi trường sống cho kỳ giông bị thu hẹp và tàn phá do ô nhiễm - Ảnh khoahocTV. |
Truyện cổ Mexico kể rằng, vào thế kỉ 13, người Aztec đã đến hồ Texcoco và xây dựng một thành phố nổi giữa lòng hồ. Loài kỳ giông cũng kéo tới sống ở vùng nước liền kề vô cùng bình yên.
Hồ Texcoco (nơi ở tự nhiên của kỳ giông) mênh mông ngày nào sau đó đã phân chia thành hồ Xochimilco và hồ Chalco ở trung tâm Mexico. Thế nhưng giờ đây hồ Chalco không còn tồn tại và hồ Xochimilco thì biến thành những con kênh đen ngòm cùng vài ao hồ bé tẹo thuộc một quận phía nam của thành phố Mexico.
Môi trường sống thu hẹp cộng với nạn ô nhiễm đã khiến số lượng loài này giảm mạnh. Nếu như năm 1998, một km vuông có đến 6.000 con sinh sống thì đến 2015, một km vuông chỉ tìm thấy trung bình 35 cá thể kỳ giông mà thôi.
Chỉ cần 1 cơn bão quét qua thành phố Mexico, hệ thống cống rãnh cũ kĩ ở đây đã không thể xoay sở và đổ hết chất thải ra thẳng dòng kênh – bao gồm ammonia, kim loại nặng và hóa chất độc hại khác. Giống như nhiều loài lưỡng cư khác, kỳ giông Mexico hô hấp một phần qua da nên rất dễ tổn thương với ô nhiễm.
Bị sinh vật ngoại lai đe dọa
Nguyên nhân này vẫn là do con người, mặc dù lần này không ai lường trước được. Vào những năm 1970 - 1980, một chương trình của Liên Hiệp Quốc đã thả cá chép và cá rô phi xuống các ao nước quanh quận Xochimilco. Mục đích là cải thiện bữa ăn nghèo nàn của người dân địa phương, cung cấp nhiều chất đạm hơn.
Tuy nhiên, các loài cá ngoại lai này đã săn thịt kỳ giông nhỏ. Sau khi tình trạng trên được phát hiện, giới khoa học hợp tác cùng ngư dân địa phương đã tạo khu trú ẩn cho kỳ giông, tìm cách đưa cá ra khỏi đó. Tuy nhiên, những cá thể ngoại lai lọt lưới vẫn không phải là ít và giống kỳ giông bản địa vẫn gặp phải "tai họa ngập đầu".
Điều này cho thấy, đối mặt với sự tàn phá của con người, các sinh vật dù hùng mạnh như hổ, sư tử, to lớn khổng lồ như cá voi, cá nhà táng hay có sức sống ngoan cường như kỳ giông cũng trở nên yếu ớt mong manh vô cùng.
Việc loài kỳ giông Mexico tồn tại có thể giúp khoa học tiến thêm một bước rất xa qua việc nghiên cứu hệ gen đặc thù của nó. Biết đâu trong tương lai, con người lại nhờ vậy có được khả năng tái tạo cơ thể thần kì giống như chúng.
Minh Minh (T/h)