Khoảng gần một tuần nay, nhiệt độ ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội đang ở mức rất cao, có nơi lên đến hơn 40 độ C ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân.
Tập thể dục rất quan trọng vì nó giúp cơ thể bạn luôn khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi ánh mặt trời đang thiêu đốt mọi thứ, tập thể dục ngoài trời sẽ phản tác dụng.
Mọi người cần thay đổi thời gian, không gian tập thể dục. Tập buổi sáng từ 5h30 - 6h30, buổi chiều từ 18h - 19h, hoặc chuyển sang đi bộ vào 20h ở những địa điểm rộng rãi, có cây xanh.
Nắng nóng cực điểm là lúc 11h trưa đến khoảng 15h nên việc đi ra ngoài lúc này sẽ dễ khiến cho cơ thể dễ mất nước. Việc đi ra ngoài thường xuyên vào thời điểm này có thể dẫn đến tình trạng say nắng.
Sau khi đi ngoài trời nắng, bạn có cảm giác thèm một cốc nước mát lạnh, đặc biệt là các loại nước ngọt có ga để giảm cơn khát. Uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
Trong nước lạnh, các phân tử đang tích hợp nên rất khó thấm vào tế bào. Do đó sau khi uống, cơn khát vẫn không được giải quyết. Những người bị cảm mạo, say nắng, mồ hôi không thoát, uống nước lạnh còn có thể khiến cho cơ thể không thể tản nhiệt, làm tăng nguy cơ sốt.
Sai lầm lớn của nhiều người là dùng điều hòa với nhiệt độ thấp nhất ngay sau khi tiếp xúc với nhiệt độ nắng nóng ngoài trời.
Việc chống nóng bằng biện pháp bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp gây nên nhiễm lạnh, viêm phổi…
Cách làm này khiến bài tiết mồ hôi bị mất cân bằng, ảnh hưởng tuần hoàn máu, dễ khiến khi ngủ dậy thấy cảm giác nặng đầu, váng vất, cơ thể bứt rứt khó chịu, thậm chí có thể bị trúng gió, đau vai gáy, cứng hoặc ngoẹo cổ... Nặng hơn là bị trúng gió, hội chứng vai gáy, cần phải có bác sĩ điều trị.
Khi vừa đi nắng về là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt độ cao, nếu tắm ngay lúc nóng sẽ làm thân nhiệt thay đổi đột ngột, rất nguy hiểm, có thể gây đột quỵ. Vì vậy, các chuyên gia khuyên bạn cần nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, khô mồ hôi trước khi tắm.
Đối với trẻ nhỏ, mùa hè cũng là thời điểm cha mẹ thường xuyên cho con đi biển, bơi. Trẻ thường thích nước nên cha mẹ cho tắm nhiều lần trong ngày hoặc ngâm mình dưới nước thời gian lâu cũng rất dễ bị cảm lạnh.
Nhiều người thường ăn kem ngay sau khi đi nắng về để giải nhiệt, nhưng đây là một trong những điều cấm kỵ khi trời nóng. Tuy nhiên, ăn kem vào lúc này sẽ khiến cơ thể bị lạnh đột ngột, gây ra viêm họng cảm lạnh. Đặc biệt, sức đề kháng của trẻ nhỏ còn yếu nên rất dễ bị bệnh. Do đó, bạn nên ngồi nghỉ một lúc để cơ thể bớt nóng rồi mới ăn kem.
- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.
- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol.
- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
- Thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh tiêu đường tiêu hóa. Vì thế nên thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Đồng Trang (T/h)