Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Siêu bão Noru áp sát, người dân Quảng Ngãi xuống hầm trú ẩn

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Trưa 27/9, Quảng Ngãi vẫn gấp rút di dời nốt hàng nghìn người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn trước khi bão số 4 (Noru) đổ bộ.

Đến trưa ngày 27/9, Quảng Ngãi vẫn gấp rút di dời nốt hàng nghìn người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn trước khi bão số 4 đổ bộ.

Trả lời trên Tri Thức Trực Tuyến, ông Võ Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), cho hay đến 13h, địa phương đã sơ tán gần 9.000 hộ dân với hơn 23.000 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Khu vực tầng hầm trú bão. 

 

Địa phương cũng đã thiết lập khu trú tránh bão ở tầng hầm khách sạn và khu nhà ở nhân viên thuộc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất.

Ở khu vực hầm Công ty Hòa Phát, nhân viên công ty túc trực hướng dẫn và dán bảng chỉ dẫn người dân xuống khu vực tránh trú. Nơi đây có gần 10 phòng và khu vực tầng hầm rộng hàng nghìn m2, có thể giúp khoảng 6.000 người tránh bão.

 

Đại diện Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cho hay, hiện có hơn 1.500 người dân, chủ yếu là người già, trẻ em đã đến khu tầng hầm khách sạn, ký túc xá nhân viên của công ty để trú tránh bão. Ngoài việc đảm bảo điện, nước, quạt, phía công ty còn hỗ trợ các suất ăn miễn phí, sữa, cháo... cho người dân.

Ông Dương (58 tuổi) cho biết khi bão số 4 sắp đổ được chính quyền thông báo phải di dời khẩn cấp để an toàn, gia đình ông chỉ kịp mang chăn, chiếu, nồi cơm và đồ dùng cá nhân để tránh bão. Người dân địa phương lo ngại cơn bão với dự báo mạnh sẽ gây thiệt hại lớn.

Người dân di chuyển xuống hầm trú bão. 

 

"Vội đi tránh bão nên không kịp ăn cơm, các con phải chuẩn bị cho tôi và 3 đứa cháu một ít bánh mỳ và xôi. Cứ lúc mưa bão là lo lắm, chỉ mong bão sớm qua để về nhà thu dọn, ổn định cuộc sống", Tri Thức Trực Tuyến dẫn lời ông Huỳnh Nhõng (83 tuổi) bày tỏ.

Không chỉ có hầm trú bão tập trung, người dân Quảng Ngãi do thường xuyên đối diện với các cơn bão lớn cũng đã tự làm hầm trú bão để có nơi trú tránh an toàn cho cả gia đình.

Người dân đem theo những đồ dùng thiết yếu.

 

Cụ thể, theo Kinh tế & Đô thị, khi nghe bão số 4 sắp đổ bộ vào đất liền, bà Phạm Thị Phương Tân (67 tuổi, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) lại tất tả đi chợ, chuẩn bị lương thực, thực phẩm về trữ sẵn. Dày dạn kinh nghiệm sau nhiều cơn bão lớn, bà Tân còn mua đèn dầu, nến để đề phòng mất điện. Ngay bên hầm trú bão là nhà kho với đầy đủ bếp củi, xoong nồi, nước, gạo để nấu ăn khi cần thiết.

Chỉ vỏn vẹn chừng chục mét vuông, nhưng căn hầm trú bão lại trở thành lô cốt vững chắc, che chở cho cả gia đình trong những cơn cuồng phong suốt 14 năm qua.

Bên trong căn hầm trú bão của người dân vùng biển Quảng Ngãi.

 

“Hồi trước thấy một số hộ dân có hầm trú bão nên gia đình học theo, mua vật liệu xây dựng về làm. Bão số 9 năm 2020 đổ bộ trực tiếp vào huyện Bình Sơn, ngoài gia đình tui còn có 2 gia đình nữa, tổng số là 11 người đã trú ở đây một ngày một đêm, không sao hết”, bà Tân mỉm cười, nhớ lại.

Xã Bình Hải, huyện Bình Sơn là nơi người dân phải thường xuyên “chạy bão” và cũng gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. Vì thế, nơi đây có khá nhiều hầm trú bão được xây dựng để “phòng thân”.

Các hầm trú được xây gần nhà, diện tích khá nhỏ, khoảng 10 - 15 mét vuông, cao gần 2 mét, kết cấu bê tông cốt thép kiên cố theo kiểu lô cốt, có sức chứa tối đa 15 - 20 người. Để đảm bảo thuận tiện trong những ngày tránh bão, nhiều gia đình còn xây dựng hầm theo kiểu khép kín, có nơi nấu ăn, vệ sinh.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; đảo Phú Quý (Bình Thuận) gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.

Hồi 16 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 210km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-16 km/giờ), giật cấp 17.

Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ. Đến 4 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149 km/giờ), giật cấp 15.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, sau đó tiếp tục di chuyển sang Lào và suy yếu dần. Đến 16 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74 km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông.

Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy, nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.

Thủy Tiên (T/h)

Tin nổi bật