Theo đó, vào trưa 27/9, một trận động đất 3.2 độ richter xảy ra tại vị trí tọa độ 14.929 độ vĩ Bắc, 108.250 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km.
Trận động đất này xảy ra ngay trước thềm cơn bão số 4 đổ bộ, trong đó tỉnh Kon Tum là một trong những địa phương được dự báo chịu ảnh hưởng nặng nề.
Trận động đất diễn ra trong thời gian ngắn, chỉ mấy chục giây.
Trước đó, như đã đưa tin, trong năm 2022 tại huyện Kon Plong xuất hiện hàng trăm trận động đất.
Cụ thể các trận động đất có cấp độ rủi ro thiên tai từ cấp 0 đến cấp 1, có độ lớn chủ yếu dưới 4.0. Riêng trận động đất xảy ra lúc 12h54, ngày 14/4 có độ lớn 4.5. Bên cạnh đó trận động đất vào lúc 14h08 ngày 23/8 có độ lớn 4.7 tại vị trí có tọa độ 14.768 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km là cao nhất từ trước tới nay.
Động đất tại huyện Kon Plong. (Ảnh: GD&TĐ)
Trong tháng 8/2022, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai có văn bản hoả tốc gửi Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Kon Tum, các Bộ NN&PTNT, Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Viện Vật lý địa cầu về việc chủ động ứng phó với động đất.
Để chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do động đất có thể gây ra, văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các cơ quan nêu trên chỉ đạo các Sở, ngành liên quan, Ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện, xã, kiểm tra, đánh giá tác động và mức độ ảnh hưởng của các trận động đất đã xảy ra đối với nhà ở của nhân dân, trụ sở làm việc, trường học, cơ sở hạ tầng.
Trong đó, Ban chỉ đạo đặc biệt lưu ý đánh giá mức độ ảnh hưởng của động đất với các hồ đập thuỷ điện, thuỷ lợi. Qua đó kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố để bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời khi có tình huống.
Ban chỉ đạo cũng yêu cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ dư chấn động đất, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền và người dân biết để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.
Việt Hương (T/h)