Ông Huy Nhật khẳng định bị nhóm nhà đầu tư ngoại đẩy ra khỏi công ty nên dù muốn cũng không thể đứng ra trả nợ nhà cung cấp.
Trong chuỗi thông tin lùm xùm về chuỗi cửa hàng Món Huế đóng cửa hàng loạt thời gian qua, nhà sáng lập của Món Huế, ông chủ của Huy Việt Nam Huy Nhật - người được cho là đã bỏ trốn vì nợ các nhà cung cấp gần 20 tỷ đồng bất ngờ xuất hiện tại TP.HCM vào ngày 14/11. Và trong lần xuất hiện này, ông đã có những chia sẻ bước đầu về tình hình của mình.
Sau sự cố Món Huế đóng cửa hàng loạt, ông chủ Huy Nhật lần đầu lên tiếng. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Ông Huy Nhật cho biết, các thông tin bất lợi về mình ở Việt Nam là do phía các nhà đầu tư tạo ra để hạ bệ uy tín và "tốt hơn cho việc tranh chấp tại Hong Kong".
Cụ thể, tranh chấp diễn ra từ khoảng tháng 5-6/2019. Huy Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài từ 2012-2013, tương đương 6-7 năm. Trong thời gian đầu, sự hợp tác giữa hai bên diễn ra rất tốt, nhờ đó mà dẫn tới sự phát triển nhanh chóng của Món Huế và các thương hiệu khác.
Tuy nhiên, đi cùng với việc thành công trong huy động vốn là áp lực phát triển hệ thống cửa hàng mới với số lượng tăng từ 100 lên 200, bài toán quản lý vận hành, nhân sự, kiểm soát chi phí, chất lượng tạo nên một áp lực rất lớn.
Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt trong 2 năm qua, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, giá thuê mặt bằng tăng, cạnh tranh nhân lực cũng ngày càng gay gắt. Nhằm thích ứng với thay đổi của thị trường, ông và và đội ngũ điều hành không ngừng phát triển những thương hiệu mới, mở rộng thị trường mới. Tuy vậy, áp lực và mâu thuẫn vẫn bị các nhà đầu tư đẩy lên cao.
Xung đột xảy ra đỉnh điểm là khi nhóm này có kế hoạch giành lấy quyền điều hành và gạt ông ra khỏi Huy Việt Nam. Đây là vấn đề ông không thể thỏa hiệp.
Cụ thể, trong 6 ghế của hội đồng quản trị (HĐQT) thì có 3 ghế của phía nhà đầu tư, 3 ghế còn lại là người của Huy Việt Nam.
Khi có xung đột, nhóm này yêu cầu tăng lên 4 ghế trong HĐQT nhưng ông không đồng ý. Chính vì tranh chấp này, hai bên đã đưa nhau ra trọng tài kinh tế ở Hong Kong để giải quyết.
Ông Huy Nhật khẳng định bị nhóm nhà đầu tư ngoại đẩy ra khỏi công ty. Ảnh mih họa |
Vụ việc vẫn đang được trọng tài kinh tế Hong Kong phân định và chưa có kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, ngay trong khi đợi phán quyết cuối cùng, nhóm nhà đầu tư đã đơn phương lập Nghị quyết Hội đồng quản trị không hợp pháp, không có sự tham gia của 3 thành viên HĐQT đại diện cho ông, không có chữ ký của ông với vai trò Chủ tịch, không có con dấu của công ty. Họ đã dùng chính văn bản này, mang về Việt Nam và nộp lên Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM để thay đổi người đại diện pháp nhân Huy Việt Nam mà ông không hề hay biết. Tình cờ bộ phận pháp lý của ông làm việc mới phát hiện ra ông không còn là đại diện pháp nhân của công ty. Khi đó ông mới ngỡ ngàng và đến Sở Kế hoạch và Đầu tư hỏi về sự việc và công an để khai báo.
Đỉnh điểm là ngày 5/10, trụ sở công ty xảy ra chuyện khi có người đến can thiệp, bố ráp và ngăn cản hoạt động của các doanh nghiệp. Kể từ đó, hoạt động của công ty bị ảnh hưởng, tâm lý nhân viên cảm thấy bất an và rã dần.
Trước cáo buộc ông và cộng sự đã có giao dịch và hoạt động đáng ngờ, bao gồm khoản thất thoát đáng kể tiền quỹ đầu tư cùng với việc đóng cửa quy mô lớn hàng loạt cửa hàng tại Việt Nam khi chưa có sự chấp thuận từ các nhà đầu tư, nhà sáng lập chuỗi Món Huế cho biết, từ khi quỹ rót tiền đầu tư, các nhân sự chủ chốt là người của quỹ, và bản thân ông Huy Nhật chỉ lo phát triển thị trường, vì thế các con số báo cáo Món Huế lỗ 50 tỉ hay lũy kế nợ phải trả lên 800 tỉ đồng là "chưa thể xác nhận" vì "không thể tiếp cận về thông tin tài chính lúc này".
“Tôi cũng chưa gặp và không biết ông Nguyễn Quỳnh Anh, người đại diện pháp luật mới của Công ty Huy Việt Nam" – ông Huy cho hay.
Ông Huy cho biết lý do ông không xuất hiện cũng như không trả lời báo chí sau khi xảy ra sự việc là vì không biết phải nói gì trước tình hình này. Ảnh minh họa |
Ông Huy cho rằng, bản thân sẽ chấp nhận lui về vị trí cổ đông nếu có người khác phù hợp và đủ khả năng thay thế. Tuy nhiên vẫn kỳ vọng nếu giành lại được pháp nhân của mình thì sẽ sẵn sàng làm lại Món Huế và giải quyết các vấn đề của công ty.
Bản thân ông cũng cho biết vẫn đang nắm giữ 30% công ty và là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này mặc dù không còn quyền điều hành. Tuy nhiên, hiện nay, do ông không còn điều hành, không còn là đại diện pháp lý nên không biết lấy tư cách gì để thanh toán cho đối tác. Ông cũng đã nói chuyện với luật sư, họ nói dù muốn thanh toán công nợ cho những nhà cung cấp hay trả nợ lương nhân viên thì cũng cần dựa trên pháp lý.
Lý giải về việc những ngày qua, khi Món Huế đột ngột đóng cửa, nhà cung cấp truy nợ nhưng ông không lên tiếng thì ông Huy khẳng định, ông vẫn ở TP.HCM. Lý do ông không xuất hiện cũng như không trả lời báo chí sau khi xảy ra sự việc là vì không biết phải nói gì trước tình hình này.
Vũ Đậu (T/h)