Sở GTVT Hà Nội vừa có báo cáo về tình trạng hư hỏng của cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng.
Mặt cầu Thăng Long sau nhiều lần sửa chữa vẫn tiếp tục hằn lún. Ảnh: VietNamNet. |
Theo đó, mặt đường bê tông nhựa trên năm dàn thép cầu chính bị hằn lún, rạn nứt nhiều chỗ, được Cục Quản lý đường bộ I sửa chữa thường xuyên.
Lần kiểm tra gần nhất cho thấy, mặt đường bị rạn nứt khoảng 8.730m2, diện tích hằn lún dưới 2,5cm là gần 1.300m2; từ 2,5 đến 7cm là 570m2.
4 trong 8 khe co giãn cầu bị hư hỏng và được che tạm bằng tấm thép để đảm bảo an toàn giao thông.
Chia sẻ trên VietNamNet, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, đang phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) nghiên cứu, đề xuất giải pháp sửa chữa tổng thể cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng.
"Việc sửa chữa tổng thể rất phức tạp, không chỉ liên quan đến mặt cầu mà còn giàn dầm thép của đường sắt, hệ thống bộ hành hai bên cầu do Hà Nội quản lý", ông Huyện nói.
Năm 2009, Bộ Giao thông đã sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng nhiều công nghệ, như: phun sơn chống gỉ trên bề mặt bản thép; thi công lớp chống thấm; lớp bê tông nhựa polymer dày 4 cm; tưới nhựa dính bám... Tuy nhiên, Sở Giao thông Hà Nội cho rằng công nghệ này chưa thực sự hiệu quả, cần nghiên cứu áp dụng công nghệ mới cho phù hợp với điều kiện khai thác hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Giao thông đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra và kịp thời sửa chữa hư hỏng phần mặt cầu để đảm bảo an toàn giao thông. Bộ Giao thông cũng yêu cầu Tổng cục có các giải pháp căn cơ xử lý hư hỏng phần mặt cầu đảm bảo chất lượng và khai thác ổn định, lâu dài.
Thu Hằng (T/h)