Chuyên gia giao thông nhận định, có những dầm thép của cầu Thăng Long bị cong vênh rất nặng, các điểm nối giữa các dầm thép bị vênh tới 3 -5cm, bộ GTVT đã nhiều lần chi tiền sửa chữa nhưng chưa đem lại hiệu quả.
[presscloud]3771[/presscloud]
Như đã thông tin, mặt cầu Thăng Long – TP.Hà Nội đang bị xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện nhiều vệt bánh xe bị lún kéo dài hàng chục mét, một số vị trí đã được cơ quan chức năng vá lại nhưng chưa đem lại hiệu quả, khiến cho các phương tiện đi qua cầu cảm thấy bất an.
Cầu Thăng Long đang bị xuống cấp nghiêm trọng. |
Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, trên mặt cầu Thăng Long xuất hiện nhiều sống trâu tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Những đoạn hằn lún vệt bánh xe kéo dài, bê tông nhựa trồi lên thành ụ cao từ 3 – 5cm và bị đẩy vào bên thành cầu, trồi cả bản thép bên dưới.
Ngoài ra, những vết nứt rách kéo dài đến vài mét sâu từ 5 cm đến 10 cm dọc theo chiều dài của cầu. Để đảm bảo an toàn giao thông, đơn vị quản lý cầu cũng đã tiến hành chắp vá những vị trí bị lún kéo dài để lại những vệt nham nhở.
Rãnh sâu từ 3-5cm xuất hiện thường xuyên trên mặt cầu |
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Quang Toản – nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, trường đại học Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng: “Nguyên nhân dẫn đến mặt cầu Thăng Long – Hà Nội bị xuống cấp nghiêm trọng đã được các chuyên gia phân tích rất nhiều lần rồi, một phần do thời tiết và thời gian sử dụng chiếc cầu đó quá lâu nên khiến cho các dầm thép của cầu bị biến dạng”.
“Hiện nay, có những dầm thép của cầu bị cong vênh rất nặng, các điểm nối giữa các dầm thép bị vênh tới 3 -5cm. Mặc dù, bộ GTVT đã nhiều lần tiến hành sửa chữa nhưng chỉ trải thảm nhựa bề mặt cầu nên không "chữa đúng bệnh"", PGS. TS. Toản phân tích.
Đơn vị quản lý đã dùng những tấm thép lớn phủ lên mặt cầu. |
Nói về giải pháp sửa chữa khắc phục, PGS. TS. Toản đánh giá: “Bây giờ muốn sửa chữa mặt cầu thì chúng ta phải tiến hành sửa từ phần cốt của cầu, tức là phải chặn các phương tiện không cho đi qua, sau đó chúng ta bóc mặt đường lên để thay thế các dầm thép đã bị xuống cấp chỉ có như vậy thì mới khắc phục được. Trước đây, đã từng có các doanh nghiệp của Nhật đề xuất được hỗ trợ sửa chữa cây cầu này nhưng không hiểu vì lý do gì mà bộ GTVT và Hà Nội lại không đồng ý”.
“Trong khi hàng năm chúng ta phải bỏ rất nhiều tiền để trải thảm nhựa mặt cầu, rất tốn kém nhưng không đem lại hiệu quả. Trách nhiệm lớn nhất ở đây chính là bộ GTVT chưa có những đánh giá, phân tích kỹ về nguyên nhân cụ thể nên chưa thể sửa chữa dứt điểm”, PGS. TS. Toản cho hay.
Được biết, công ty CP Đường sắt Hà Thái quản lý toàn bộ kết cấu cầu, dàn thép, khe co dãn mặt cầu tầng hai, hệ thống chiếu sáng trên cầu. Cục Quản lý đường bộ I quản lý phần mặt đường ô tô trên 5 liên dàn thép của cầu chính. Sở GTVT Hà Nội quản lý phần mặt đường dẫn hai bên đầu cầu và phần đường bộ hành công vụ, hệ thống lan can.
Tháng 7/2018, bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên tuần tra, kiểm tra và kịp thời sửa chữa ngay các hư hỏng phần mặt cầu đường bộ trên tầng 2 cầu Thăng Long để đảm bảo an toàn giao thông.
Đồng thời, tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với vụ Khoa học công nghệ có các giải pháp căn cơ xử lý hư hỏng phần mặt cầu đường bộ trên tầng 2 cầu Thăng Long đảm bảo chất lượng và khai thác ổn định, lâu dài.
Thế Anh (Người Đưa Tin)